Đoạn phỏng vấn trên nằm trong bộ phim tài liệu dài hai giờ mang tên "Putin" được đăng tải hôm qua trên tài khoản mạng xã hội của Dmitry Kiselev, một người dẫn chương trình truyền hình ủng hộ Điện Kremlin. Theo AFP, bộ phim do nhà báo Andrei Kondrashov, hiện là phát ngôn viên cho chiến dịch tái tranh cử của ông Putin, sản xuất.
Không trao trả Crimea
"Anh đang nói chuyện gì thế?", ông Putin đáp khi được hỏi về khả năng trao trả bán đảo Crimea cho Ukraine. "Không có trường hợp đó và sẽ không bao giờ có".
Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ năm 2014 và ủng hộ phe nổi dậy ở đông Ukraine sau khi chính quyền được Moscow hậu thuẫn bị lật đổ ở Kiev. Vụ sáp nhập đã dẫn đến những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu với Nga, tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa nước này với phương Tây kể từ chiến tranh Lạnh.
Bộ phim tài liệu cũng gồm các cuộc phỏng vấn với một số đồng minh của nhà lãnh đạo Nga, trong đó có ông Igor Sechin, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Rosneft. Sechin hé lộ ông từng phục vụ dưới chính quyền của Putin ở nhiều vai trò khác nhau trong gần 30 năm và nhận xét tổng thống là một người rất cẩn thận".
"Chân thành mà nói, tôi không tìm ra bất kỳ sai sót nào của ông ấy trong những năm qua", ông Sechin nói. "Ông ấy rất cẩn trọng khi đưa ra các quyết định".
Ra lệnh bắn hạ máy bay chở 110 người
Trong bộ phim, Putin kể lại một trong những quyết định quan trọng của ông, đó là ra lệnh bắn hạ chiếc máy bay chở khách bị nghi mang bom.
Ngày 7/2/2014, khi lễ khai mạc Olympic Mùa đông vừa bắt đầu, ông nhận được cuộc điện thoại từ quan chức phụ trách an ninh thông báo rằng một chiếc máy bay trên đường từ Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ đã bị khống chế, không tặc yêu cầu hạ cánh ở Sochi, Nga. Có 110 hành khách trên phi cơ, trong khi hơn 40.000 người đang tập trung tại sân vận động.
Putin được các quan chức an ninh tư vấn rằng kế hoạch phản ứng khẩn cấp cho loại tình huống đó là bắn hạ máy bay. "Tôi nói với họ: hãy hành động theo kế hoạch", tổng thống Nga kể.
Vài phút sau, Putin nhận được một cú điện thoại khác, thông báo với ông rằng đó là báo động giả. Hành khách dọa bom không phải là không tặc mà chỉ đang say xỉn và máy bay sẽ tiếp tục tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, người cũng xuất hiện trong bộ phim, cho rằng việc lãnh đạo nước Nga không phải là nhiệm vụ dễ dàng, dù cuối ngày có được nhấp một ngụm bia ngon.
"Tôi luôn nói rằng có hai việc tôi không bao giờ muốn làm. Thứ nhất là Giáo hoàng, thứ hai là tổng thống Nga. Việc giữ đất nước khổng lồ này với nhau chắc chắn là điều khó khăn nhất có thể tưởng tượng ra trong chính trị", ông Schroeder nói.
Ông Putin, một người mê uống bia, kể rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần gửi tặng ông những chai Radeberger, loại bia ông thích uống trong thời gian hoạt động tại Cộng hòa Dân chủ Đức, tức Đông Đức. Khi còn là điệp viên KGB, ông đã cùng gia đình tới thăm "một trong những nhà máy sản xuất bia tốt nhất" ở thị trấn Radeberg. Ông cũng từng đi uống bia với Thủ tướng Dmitry Medvedev tại một quán bar nổi tiếng ở Moscow.
Không tha thứ cho sự phản bội
Trong bộ phim, tổng thống Nga kể về mọi thứ, từ gia đình, thời thơ ấu của mình đến chuyện tình yêu và hạnh phúc. Ông kể ông nội mình từng làm đầu bếp cho Vladimir Lenin và Joseph Stalin. Ông Spiridon Putin là thành viên được đánh giá cao trong đội ngũ của Stalin.
"Ông ấy là đầu bếp cho Lenin và sau đó là Stalin, ở một khu nghỉ mát tại khu vực Moscow", ông Putin nói. Ông Spiridon tiếp tục nấu ăn cho cơ sở trên đến khi qua đời năm 1965, ở tuổi 86.Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận thông tin này là chính xác.
Putin nói rằng ông có thể tha thứ cho mọi chuyện, trừ sự phản bội. Tuy nhiên, ông chưa từng phải trải qua sự việc nào nghiêm trọng có thể xem là bị phản bội.
"Có thể tôi đã chọn những người không có khả năng làm điều như thế", ông nói.
Anh Ngọc