Hầu hết những người Hàn Quốc sinh ra trong thế kỷ này không có ký ức về khoảng thời gian trước khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng mối đe dọa thường trực về một cuộc chiến tranh với người hàng xóm khiến một số học sinh Seoul sớm có cái nhìn theo thuyết định mệnh, theo NBC News.
"Chúng ta không nên hoảng loạn chỉ vì Triều Tiên có thể phát động một cuộc chiến nhằm vào chúng ta", Kim Sun-woo, 15 tuổi, nói khi được hỏi về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. "Chúng ta phải duy trì cuộc sống hàng ngày. Nếu chết, ít nhất chúng ta sẽ chết cùng nhau".
Sự đĩnh đạc trong câu trả lời của Sun-woo dường như cho thấy cậu học sinh trường THCS Joongdong từng dành nhiều thời gian suy ngẫm về vấn đề này. Ở tuổi ăn tuổi ngủ, Sun-woo tin rằng an ninh quốc gia phải là ưu tiên hàng đầu của Seoul trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục phát triển vũ khí.
Sun-woo là một học sinh thuộc thế hệ trẻ Hàn Quốc được kỳ vọng ngày nào đó sẽ thống nhất báo đảo Triều Tiên. Mục tiêu đó được đề ra trong Hiến pháp Hàn Quốc và nằm trong chương trình học bắt buộc của học sinh theo quy định của chính phủ.
Nhưng trước hiện thực về một người hàng xóm không ngừng đe dọa tấn công và một chương trình học dạy về thống nhất hai miền nam bắc, thế hệ trẻ Hàn Quốc khó tránh khỏi cách nhìn Triều Tiên vừa là bạn vừa là thù.
Về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nhiều thập kỷ sau, Bình Nhưỡng lại cảnh báo nhấn chìm Seoul "trong biển lửa" khi căng thẳng trên bán đảo leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của nước này.
Trong khi đó, cuộc tranh cãi về nội dung các bài học thống nhất hai miền bán đảo chưa bao giờ tắt ở Hàn Quốc. Theo một số nhà giáo, nội dung chưa được đổi mới hoàn toàn từ chương trình của giai đoạn tuyên truyền "chống người cộng sản". Những người theo đường lối bảo thủ lại lo ngại việc khắc họa hình ảnh quá tích cực về đất nước Triều Tiên.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chương trình giảng dạy này đã được sửa đổi từ năm 2015, tập trung vào việc nâng cao "hiểu biết về cộng đồng" và ươm mầm "những công dân dân chủ". Các văn bản có tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản đã bị loại bỏ và chính phủ nỗ lực cân bằng hai chủ điểm an ninh quốc gia với Triều Tiên là đối tác.
Trước những thông tin về mối đe dọa của Triều Tiên tràn ngập truyền thông, một nhà giáo dục Hàn Quốc tên Chang lo ngại thông điệp được truyền tải qua sách vở sẽ trở nên vô nghĩa. Song Sun-woo và hai người bạn học cho biết, nhìn chung các cậu tiếp nhận chúng tích cực.
Với Sun-woo, nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất, cậu và các bạn sẽ không bị buộc đi nghĩa vụ quân sự. Số tiền Hàn Quốc chi cho quốc phòng có thể được dùng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.
Thời điểm duy nhất các cậu bàn về người hàng xóm là khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trên các bản tin của Hàn Quốc về thử bom hạt nhân hay phóng tên lửa. Khoảng thời gian còn lại, các cậu dành cho việc học và khám phá công nghệ.
Ngoài vài ngày lễ chung với Triều Tiên, Sun-woo và các bạn cho rằng Hàn Quốc có nhiều điểm chung hơn với phương Tây.
Nhà nghiên cứu, nhà tâm lý học Park Ju-hwa tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, việc thiếu giao lưu giữa người dân hai nước có thể là trở ngại lớn nhất với tham vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên. Những trải nghiệm đó là điều không trường lớp nào có thể thể giảng dạy.
Theo đánh giá của Park, tiền đề cho chương trình học thống nhất Hàn - Triều là quan điểm hai quốc gia phải hợp nhất bởi chung chủng tộc. Song ông cho rằng giới trẻ trong nước lại không có cách nhìn có cùng giống nòi với những người Triều Tiên bị cho là nghèo đói.
Park cho rằng con đường dẫn tới hòa bình cho Hàn Quốc và Triều Tiên cũng giống như con đường hạnh phúc trong một mối quan hệ. "Đôi lúc tôi và vợ cãi nhau nhưng chúng tôi cố dàn xếp ổn thỏa. Nếu không giải quyết được thì ly hôn", ông nói.
Vũ Phong