Sau gần 10.000 cây số, số phận đưa đẩy Park Kwon và Ju Cheol-kwang sống chung dưới một mái nhà và trở thành bạn bè thân thiết. Năm nay 16 tuổi, Park và Ju đang học thích ứng với cuộc sống ở Hàn Quốc, theo NBC.
Như nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc khác, điểm tụ tập yêu thích của Park và Ju sau giờ học hàng ngày là quán cafe Internet. Chỉ với 1 USD, hai cậu bé có thể chơi điện tử suốt một tiếng và khi đói bụng, gọi một bát mỳ nghi ngút khói ngay tại chỗ. "Cuộc sống ở Hàn Quốc thoải mái hơn nhiều nhưng thỉnh thoảng cháu vẫn nhớ nhà", Ju nói.
Theo thống kê, trong 20 năm qua, hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn chạy sang Hàn Quốc, trong đó có khoảng 4.500 trẻ em. Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, hơn 8.000 Triều Tiên đào thoát thành công sang miền Nam. Tuy nhiên, do sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, số người đào tẩu trong năm ngoái giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm trở lại đây.
Hành trình đào thoát
Nhìn bề ngoài, Park Kwon và Ju Cheol-kwang trông giống như anh em ruột với kiểu tóc "bát úp" và cặp kính cận. Nhưng ẩn dưới dáng người mảnh khảnh là câu chuyện về hai số phận khác nhau.
Cả tuổi thơ của Ju Cheol-kwang quanh quẩn trên cánh đồng lúa ở tỉnh Ryanggang, phía bắc Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc. Không được đi học, ngay từ khi còn rất nhỏ, cậu bé đã được gia đình dạy phải tôn kính lãnh tụ. Ju nhớ hai bữa ăn mỗi ngày thường là ngô nướng hoặc cơm độn khoai tây.
Bố mất khi Ju lên 8 tuổi. Khoảng 4 năm sau đó, vào năm2013, theo lời mẹ, cậu bé 11 tuổi lên đường rời khỏi quê nhà. Không kể tường tận hành trình hàng nghìn cây số nhưng Ju cho biết cậu đã vượt biên vào Trung Quốc trong một đêm đông lạnh giá. Sau khi trốn ở Trung Quốc khoảng hai tuần, cậu được chở lậu tới Lào rồi từ đó bay sang Hàn Quốc.
Như những người đào tẩu khác, Ju trải qua ba tháng sống trong trung tâm tái định cư ở ngoại ô Seoul để học những kiến thức cơ bản về lịch sử Hàn Quốc, cách tiêu tiền hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tại đây, cậu cũng được tư vấn tâm lý. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo, tháng 6/2014, Ju chuyển đến sống với một số người đồng hương. Ở đó, đôi bạn Ju Cheol-kwang và Park Kwon gặp gỡ và kết thân với nhau.
Cuộc sống mới ngỡ như một giấc mơ với Ju Cheol-kwang. "Chất lượng đồ ăn, quần áo và nhà cửa đều tốt. Hoàn toàn trái ngược với cuộc sống ở Triều Tiên. Với cháu đó là điều ngạc nhiên dễ chịu", Ju nói.
Con đường tới Hàn Quốc của Park Kwon lại bắt đầu từ tỉnh miền núi Bắc Hamgyong. Vào mùa đông năm 2013, Park nghe cha mẹ nói rằng cậu sẽ chuyển đến sống với họ hàng gần đó. Sau khi mặc chiếc áo khoác dày, cậu bé 8 tuổi bước ra khỏi nhà và chào cha mẹ mà không biết rằng đó là lần cuối cùng.
Cùng với anh em họ, Park vượt sông sang Trung Quốc trong đêm tối. Đứng ở chỗ nước nông và nhìn về phía trước, cậu bé nhớ như in ánh đèn sáng rực trên các tòa nhà cao tầng trông như chòm sao Bắc Đẩu dẫn lối. "Ánh đèn để lại ấn tượng mạnh mẽ cho cháu", Park Kwon nhớ lại. Sau một tháng ở Trung Quốc, cậu bé đến Thái Lan. Khi cảnh sát biên phòng hỏi cậu muốn đi đâu, Park chỉ có một câu trả lời duy nhất: Hàn Quốc.
Hầu hết người đào tẩu khỏi Triều Tiên đều chọn hành trình trốn chạy dài hàng nghìn cây số bằng đường bộ qua Trung Quốc, rồi tới Lào, sau đó vượt biên vào Thái Lan. Tại đây, sau khi bị chính quyền sở tại phạt hành chính vì tội nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ được gửi cho đại sứ quán Hàn Quốc ở Bangkok. Tiếp theo đó, quy trình chuyển họ tới Seoul được kích hoạt.
Những người đào tẩu có thể phải trả tới 10.000 USD cho các tay môi giới để giúp họ đào thoát từ Triều Tiên sang Trung Quốc và thêm hàng chục nghìn đô la nữa cho hành trình từ Trung Quốc tới Lào, Thái Lan, theo các nhà hoạt động nhân quyền.
Trưởng thành trên đất Hàn Quốc
Không giống như những người đào tẩu cách đây 10-20 năm, những cậu bé như Ju Cheol-kwang và Park Kwon ngày nay gặp nhiều khó khăn hơn khi hòa nhập với cuộc sống ở Hàn Quốc. Sự phát triển nhanh của công nghệ và thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt tạo ra sức ép lớn lên thế hệ trẻ. Ju và Park phải vật lộn để không bị tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa sinh ra ở Hàn Quốc.
"Ở Hàn Quốc, nếu anh không học hành, anh sẽ không hiểu được xã hội này và nếu anh không hiểu xã hội này, anh sẽ không bao giờ hòa nhập được", Ji Cheol-ho, một người Triều Tiên đào tẩu 32 tuổi đang làm việc trong tổ chức bảo vệ nhân quyền, cho biết.
Cha cố Chun Ki-won, đã giúp hơn 1.100 người Triều Tiên đào thoát thành công kể từ năm 1999, cho biết ông chứng kiến không ít gia đình chấp nhận cảnh chia lìa để con cái có thể đào thoát.
Khi mới đến Hàn Quốc, Ju Cheol-wang ngạc nhiên khi thấy hầu như ai cũng có xe ôtô, điện thoại di động, sống trong các nhà chung cư cao tầng hiện đại và điện không chập chờn mỗi khi thời tiết xấu. Còn trên TV, có hàng trăm kênh truyền hình. Những điều này trái ngược với những gì cậu được dạy hồi ở Triều Tiên.
Việc học hành cũng không đơn giản. "Ở quê nhà, chúng cháu có môn học đặc biệt về lãnh tụ Kim Jong-un, Kim Jong-il và Kim Il-sung", Park Kwon nói. "Các trường học ở Hàn Quốc không dạy các môn đó, cháu tưởng việc học vì thế mà sẽ đơn giản hơn. Nhưng hóa ra trình độ toán và ngôn ngữ của học sinh lớp 6 Triều Tiên chỉ tương đương với học sinh lớp 4 ở Hàn Quốc".
Dù đã quen với cuộc sống mới, hai cậu bé không thôi mong nhớ gia đình ở Triều Tiên và vẫn nuôi hy vọng một ngày được gặp lại cha mẹ và người thân. "Đến lúc đó, điều đầu tiên cháu làm sẽ là tìm cha mẹ và về thăm họ. Cháu muốn về nhà và kể cho bạn bè thời thơ ấu nghe về cuộc sống ở đây. Hy vọng sẽ có ngày đó", Park Kwon nói.
An Hồng