Hai chuyến tàu nối đảo Baengyeong (ở phía tây bắc Hàn Quốc, trên biển Hoàng Hải) với cảng Seoul, vốn ngày ngày chở đầy du khách, nay vắng teo.
Hòn đảo rộng 45 km vuông này rất gần với Triều Tiên, chỉ cách khu căn cứ quân sự mà ông Kim Jong-un vừa tới thăm tuần trước 15 km. Trong khi đó, nó cách bờ gần nhất của Hàn Quốc tới 200 km.
Vị trí đảo Baengyeong ở phía tây bắc Hàn Quốc. Đường màu đỏ là biên giới trên biển mà LHQ vạch ra sau chiến tranh Triều Tiên, không được Bình Nhưỡng công nhận. Đồ họa: BBC. |
Vào những ngày thời tiết tốt, đứng ở đảo này có thể nhìn rõ bờ của Triều Tiên bằng mắt thường. Sự lân cận với Triều Tiên cùng vẻ đẹp hoang sơ của Baengyeong là điều thu hút hàng chục nghìn du khách tới đây mỗi năm. Sau những lời đe dọa hiếu chiến mà Triều Tiên phát đi những ngày gần đây, các chuyến du lịch tới đảo đã bị đình hoãn cho đến tháng 5 mới có thể khôi phục.
Đối với ông Kim Jeong-seok, một công nhân 57 tuổi và là cha của hai con, thì cả những tuyên bố của miền bắc lẫn việc đề phòng của miền nam đều là "không cần thiết".
"Họ đừng có mà đánh chúng tôi. Nếu họ đánh, họ sẽ châm ngòi một cuộc chiến tranh toàn diện", Kim nói.
Hầu hết trong số 5.000 người dân trên đảo có chung ý nghĩ với ông Kim. Họ lo ngại về ảnh hưởng kinh tế hơn là nguy cơ chiến tranh thực sự. Không ai trong số họ rời bỏ đảo về đất liền, bất chấp những biến cố như việc tàu hải quân Hàn Quốc bị ngư lôi đánh chìm năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
"Nếu điều đó (tấn công) xảy ra, tôi tin chắc rằng quân đội sẽ bảo vệ chúng tôi", ông Kim nói.
Ngư dân trên đảo Baengyeong. Ảnh: WSJ |
Sư đoàn thủy quân lục chiến của Hàn Quốc trên đảo gồm 5.000 người, có nhiệm vụ canh giữ đường ranh giới ở trên biển tây bắc. Ngày chủ nhật hôm qua vẫn là ngày bình thường với họ. Một số binh sĩ trong quân phục bước từ tàu vào đảo sau kỳ nghỉ phép; một số khác không phải trực chiến thì đi dạo quanh đảo.
"Quan điểm cá nhân mà nói, thì tôi cho rằng chúng tôi cần giáng trả mạnh hơn hồi năm 2010, nếu miền bắc tấn công", một thủy quân lục chiến mặc đồ dân sự nói.
Các ngư dân trên đảo cho hay họ không chạm trán với người Triều Tiên, cho dù về địa lý, hai bên quá gần nhau. Hầu như không có báo cáo nào về các vụ va chạm với thuyền đánh cá, binh sĩ hay thường dân Triều Tiên trong khu vực. Ngư dân đảo cho hay họ chỉ đôi khi gặp thuyền của ngư dân Trung Quốc đi vào vùng nước phía bắc đảo mà thôi.
Ánh Dương (theo WSJ)