Sau khi được chẩn đoán mắc máu trắng hồi tháng 7, ông Katsuo Saito quyết định chỉ dùng biện pháp chăm sóc giảm đau thay vì chữa bệnh. Ông dành phần lớn thời gian trong những tuần còn lưu lại dương thế tại nhà sau khi chật vật tìm giường bệnh, Reuters ngày 21/11 đưa tin.
"Có khoảng 20 người trong danh sách chờ", cụ ông 89 tuổi nói. Trong thời gian chờ, cụ về sống một mình trong căn hộ ở tầng 5 tại thủ đô Tokyo. Đến tháng 9, bệnh viện thông báo có giường. Hai ngày sau khi nhập viện, cụ Saito qua đời.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hơn 80% người Nhật muốn trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện, con số cao nhất trong 35 quốc gia được OECD khảo sát. Người Nhật lưỡng lự trước quyết định trút hơi thở cuối cùng tại nhà vì cảm thấy bệnh viện an toàn hơn và không muốn làm gánh nặng cho gia đình.
Tuy nhiên, phương án ra đi tại nhà đang ngày càng được nhiều người chấp nhận trong bối xã hội với dân số lão hóa của Nhật Bản đang chứng kiến tình trạng khan hiếm giường bệnh.
Theo một thống kê, cứ 4 người Nhật Bản có một người trên 65 tuổi. Các quan chức y tế nước này dự đoán Nhật Bản sẽ thiếu hơn 470.000 giường bệnh trước năm 2030.
Ngày nhập viện điều trị kéo dài là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu giường bệnh ở Nhật Bản. Theo một nghiên cứu của OECD, số ngày nhập viện trung bình ở Nhật Bản là 16,5 ngày trong năm 2015. Con số này cao hơn mức trung bình 6 ngày ở Anh.
Với việc chi phí y tế tăng lên trong bối cảnh dân số đang già đi, nhiều người hy vọng trong tương lai Nhật Bản có thể đáp ứng đủ giường bệnh. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Bộ y tế Nhật Bản cho rằng kịch bản này không nhiều khả năng xảy ra.
Trong khi đó, bảo hiểm quốc gia chỉ chi trả chi phí phòng đơn trong một số trường hợp. Những bệnh nhân là người già hưu trí như ông Yasuhiro Sato, 75 tuổi, mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, vì lẽ đó lại càng không thể nhập viện.
"Một số người giàu như chính trị gia hay ca sĩ có thể giải quyết mọi thứ bằng tiền. Họ có thể ở trong những căn phòng riêng", ông Sato từng nói khi ở trong căn hộ tại Tokyo hồi tháng 7.
Nếu không tính những khi được những điều dưỡng viên đến thăm nom, ông sống một cuộc đời cô độc không gia đình hay bạn bè. "Ổn mà. Tôi không phải là gánh nặng của ai cả. Tôi sẽ lặng lẽ đến cuộc sống khác. Một mình", ông nói.
Ngày ông qua đời hôm 13/9, những người duy nhất có mặt trong căn hộ của ông là bác sĩ, phụ tá và người làm dịch vụ tang lễ.
Những nhà cung cấp dịch vụ như bác sĩ Yuu Yasui, người sáng lập bệnh viện Yamato, là nơi đáp ứng nhu cầu của những người già chọn chết tại nhà. Từ năm 2013, bệnh viện này đã trông nom cho hơn 500 người.
"Tôi nghĩ thật tốt khi có một bác sĩ hỗ trợ cho những người chọn sống những ngày cuối cùng ở nơi họ đã sống và đối diện với cái chết", bác sĩ Yasui nói.
Với những người như ông Mitsura Niinuma, 69 tuổi, phương án ra đi ở nhà có những ưu điểm riêng khi ông được ở bên các cháu trai và con chó tên Rin những ngày cuối đời.
"Chăm sóc tại nhà cho phép con người dùng năng lực còn lại của bản thân đến mức tối đa và lâu nhất có thể. Điều này không dễ làm ở một bệnh viện. Xét trên phương diện này đây là chuyện tốt", ông nói.
Vũ Phong