Reuters dẫn lời một nhân chứng kể rằng người này đã nghe thấy ít nhất 6 tiếng nổ lớn ở Damascus và thấy khói bay lên. Một nhân chứng khác thì cho hay quận Barzah đã bị trúng tên lửa. Đây là nơi đóng một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của Syria.
"Cảnh hỗn loạn diễn ra ngay trên đầu chúng tôi. Hầu hết các tên lửa bị bắn hạ", một người dân kể với BBC. "Tôi nhìn thấy hơn 20 tên lửa phòng không được phóng đi. Chúng bay rất cao sau đó bắt đầu đan chéo, như đang theo đuổi mục tiêu. Tôi không nhìn thấy tên lửa hành trình nhưng tôi nhìn thấy các mảnh vỡ rơi xuống gần đó".
AFP cho biết "các vụ nổ lớn" được ghi nhận ở nhiều nơi của thành phố, khiến các cửa sổ bị chấn động mạnh. Những tiếng còi rền vang cũng được nghe thấy. Một phóng viên của kênh Al Arabiya chia sẻ lên mạng những bức ảnh cho thấy cột khói bốc cao và lửa sáng rực trong đêm tối ở Damascus.
Hình ảnh tên lửa trên bầu trời Damascus do người dân ghi lại
Có thông tin cho hay căn cứ không quân Dumayr ở ngoại ô Damascus là một trong các mục tiêu bị tấn công. Đây là nơi các trực thăng Syria trong vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đã cất cánh. Sân bay quân sự Mezzeh ở tây nam thủ đô cũng là mục tiêu.
Theo một phụ nữ, cô nhìn thấy các tên lửa phòng không được phòng đi từ phía căn cứ Mezzeh nhưng không chắc địa điểm này có bị tấn công không.
Truyền hình quốc gia Syria đưa tin lực lượng phòng không của quân đội nước này đang đối phó với một cuộc tấn công từ Mỹ, Anh và Pháp. Maytham Achqar, một người dân, đăng tải trên Twitter nhiều video cho thấy hệ thống phòng không Syria đang nỗ lực bắn hạ các tên lửa ở thủ đô.
Hiện chưa rõ các vụ nổ trên có liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không kích kho vũ khí hóa học của Syria lúc 21h ngày 13/4, giờ Washington, (8h Hà Nội) hay không.
Cuộc không kích diễn ra một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị phương Tây cáo buộc tấn công hoá học thành phố Douma, ngoại ô Damascus hôm 7/4 làm khoảng 70 người chết. Syria bác bỏ các cáo buộc này.
Ông Trump cho biết chiến dịch phối hợp với hai nước đồng minh nhằm "ngăn chặn mạnh mẽ việc sản xuất, lan truyền và sử dụng vũ khí hoá học" và sẽ tiếp diễn cho tới khi Syria dừng sử dụng vũ khí hoá học.
Anh Ngọc