Một thanh bạc 100 gram mà người dân làng Trường Giang được tặng. Ảnh: China Daily |
Vào giữa tháng ba, làng Trường Giang, tỉnh Giang Tô, chỉ cách Thượng Hải vài giờ lái xe, đã thực hiện đúng lời hứa năm 2009 là tặng những thanh vàng và bạc trị giá hơn 40.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 6.000 USD) cho 2.858 dân làng.
Món quà này được chính quyền trao tặng cho người dân nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn Xin Chang Jiang, chủ quản làng. Sự kiện này đặc biệt này thu hút sự chú ý của dư luận trong thời điểm khoảng cách giàu nghèo đang ngày một tăng lên ở Trung Quốc. Những cuộc bỏ phiếu gần đây của các tổ chức thông tin lớn tại Trung Quốc cho thấy việc thu hẹp khoảng cách về thu nhập đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo nước này.
Ngoài vàng bạc, dân làng cho hay họ còn được hưởng nhiều lợi ích khác, trong đó việc trợ cấp mua biệt thự với giá 68.000-198.000 nhân tệ, tương đương 11.000-31.000 USD, bắt đầu từ năm 2000. Những lợi ích khác bao gồm được phát tiền mặt, chia cổ phần trong các công ty của làng và nhận cổ tức hàng năm, cũng như được cấp một lượng nước sinh hoạt, điện, ga và phiếu giảm giá thực phẩm miễn phí hàng tháng.
Tuy nhiên trưởng làng khá là kín tiếng, từ chối hết các cuộc phỏng vấn kể từ khi danh tiếng của làng nổi như cồn sau vụ phát hai thanh vàng và bạc 100 gram cho mỗi hộ gia đình năm 2010.
Trong một cuộc phỏng vấn năm đó, Li Huixia, một quan chức quan hệ công chúng của Tập đoàn Xin Chang Jiang, cho hay vàng bạc được tặng cho người dân như những lợi ích hữu hình cho thấy sự thịnh vượng của làng, và giá trị của tặng vật này sẽ được nâng cao hàng năm, làm cho người dân cảm thấy hạnh phúc hơn.
Vì kín tiếng, hầu như không có khách du lịch nào đến thăm làng vào dịp lễ. Ngôi làng có kiến trúc hiện đại, với các nhà máy công nghiệp và khu nhà ở đã được quy hoạch thay thế đất nông nghiệp từ lâu, hoàn toàn khác biệt với hình ảnh những làng quê Trung Quốc thường thấy.
Ở phía nam là một cổng làng lớn bằng đá bề thế với dòng chữ "Làng Trường Giang của Trung Quốc", nổi bật từ đằng xa. Một đại lộ dẫn vào sâu bên trong làng với 818 ngôi biệt thự nằm san sát, chia làng ra làm hai. Các công ty, nhà máy tái chế tàu, thép, đường ống nằm ở phía bắc, phía đông và tây của làng, được phủ rợp bóng cây xanh.
Cổng làng phía nam bề thế. Ảnh: China Daily |
Các biệt thự trong làng hầu hết đều kín cổng cao tường. Dân làng Trường Giang chỉ vui chơi ở công viên trung tâm sau buổi chiều tà, hai phụ nữ từ một làng gần đó cho biết. Bận rộn với việc chăm sóc con cái, họ là những người khách duy nhất đến đây vào buổi sáng và tận hưởng các cơ sở hạ tầng hiện đại của công viên, như sân tennis.
Trưởng làng
Làng Trường Giang được dẫn dắt bởi một trưởng làng đáng kính, ông Li Liangbao.
Khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa những năm 1980, Trường Giang vẫn còn là làng nông với những con đường đất lầy lội. Ông Li, khi đó là bí thư đảng ủy địa phương, đã nắm bắt quy chế tự do của thị trường mới để chuyển đổi nền kinh tế làng từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp chỉ với số vốn khiêm tốn ban đầu là 700 nhân dân tệ, tức hơn 100 USD, năm 1972.
Sau nhiều năm "cày cuốc", công sức của ông Li và đội ngũ của ông đã được đền đáp xứng đáng. Hai lò gạch nhỏ của ông đã phát triển thành một tập đoàn sản xuất đa dạng về sắt thép, ốc vít, hóa chất, ống thép. Ông và dân làng tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực như khách sạn, bất động sản, hậu cần, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Những biệt thự được quy hoạch thẳng tắp và giống y hệt nhau trong làng Trường Giang. Ảnh: China Daily |
Trong năm 2011, Tập đoàn Xin Chang Jiang, gồm 17 công ty con, đã thu về 48 tỷ nhân dân tệ, tức 7,6 tỷ USD, xếp thứ 195 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu ở Trung Quốc. Đến năm 2015, tập đoàn dự kiến doanh thu ước đạt 120 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19 tỷ USD.
"Hãy chỉ nghĩ về con đường dẫn tới thành công và đừng tìm cớ biện minh cho thất bại", châm ngôn của ông Li được khắc trên mặt sau của tượng đài trong công viên trung tâm, cùng nhiều tuyên ngôn khác của ông như "chăm lo cho người dân và đền ơn xã hội".
Dưới tài lãnh đạo của ông, làng Trường Giang ngày càng thịnh vượng. Dân làng có thu nhập cao, được sống trong những ngôi nhà sang trọng thay vì những căn hộ lụp xụp thường thấy, đi xe hơi nhập khẩu, được nhận bảo hiểm y tế và giáo dục. Mọi người dân đều có cổ phần trong tập đoàn, mang lại cho họ cổ tức trong những năm gần đây.
Ông Li Liangbao, 72 tuổi, rất được dân làng kính trọng nhưng lại ít được biết đến ngoài làng. Tài liệu giới thiệu được giới chức cung cấp mô tả ông Li là một con người cần mẫn.
"Để thực hiện lời hứa của mình, ông luôn dậy sớm vào lúc 4 hay 5h sáng", tài liệu viết. "Ông để lại những dấu ấn ở mỗi góc làng khi ông thị sát các nhà máy và công trường xây dựng, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công hiệu quả. Đầu ông giống như chiếc máy tính, não ông như một bộ dữ liệu".
An toàn và thoải mái
Hầu hết người dân đều tỏ rõ sự hài lòng khi nói về môi trường sống ở làng Trường Giang của họ. Họ cảm thấy an toàn, thoải mái và vui vẻ. Theo sở cảnh sát địa phương, trong nửa cuối tháng 3, tại làng chỉ xảy ra 6 vụ trộm và không có tội phạm nào khác.
Liu Li, một nhân viên cảnh sát, cho biết Trường Giang an toàn hơn hầu hết các khu vực khác ở tỉnh Giang Tô. "Các nhân viên an ninh tuần tra làng 3 lần một ngày và người dân ở đây đều cảm thấy an toàn", cô nói.
Một phụ nữ chơi đùa với con trên đường làng Trường Giang. Ảnh: China Daily |
Tuy nhiên, để đạt được sự giàu có này đôi lúc người dân cũng phải hy sinh những quan điểm và sở thích cá nhân. Các gia đình cho biết họ không thể không đồng ý khi làng đề xuất xây dựng các cổng ra vào giống hệt nhau ở mỗi hộ gia đình. Người dân không được phép bán các thanh vàng, bạc mà họ được tặng vì chúng có ý nghĩa như những tặng vật lưu niệm tôn vinh ông Li.
Về chính trị, các kỳ họp và bầu cử của làng được tổ chức thường xuyên nhưng chỉ những cá nhân có đóng góp nổi bật cho làng mới có khả năng được đề bạt vào vị trí lãnh đạo.
Sự thịnh vượng của làng gắn kết chặt chẽ với tập đoàn làm chủ làng, một doanh nghiệp gia đình, trong đó 3 người con của ông Li đứng đầu một số công ty con. Rất ít người dân trong làng hiểu rõ về cơ cấu cổ phần của tập đoàn.
Cùng với việc được hưởng lợi từ các ngành công nghiệp có lợi nhuận cao, người dân làng Trường Giang cũng phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm tiềm tàng. Ở phía tây làng, nhà máy ống thép của tập đoàn tách biệt với khu vực dân cư chỉ bằng một bức tường nên không thể tránh khỏi việc người dân hít phải chất độc hại.
Chia cổ tức
Các chuyên gia nghiên cứu về nông thôn cho biết việc phân phát vàng, bạc ở Trường Giang chỉ là một hình thức khác của việc chia cổ tức cho những người có cổ phần. Những ngôi làng giàu có ở phía đông Trung Quốc cũng có những câu chuyện thành công tương tự. Những ngôi làng này nắm bắt được những cơ hội vàng để phát triển, được dẫn dắt bởi một lãnh đạo có tài và một đội ngũ quản lý gồm những doanh nghiệp gia đình.
"Cần quan tâm hơn đến việc làm thế nào để cải thiện hình thức phân phối của cải và cho người dân hiểu rõ họ đang nắm giữ bao nhiêu cổ phần trong tài sản chung, để họ có thể dự đoán được sự phân phối của cải này", ông Du Zhixiong, một giáo sư thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
Anh Ngọc (Theo China Daily)