Tàu hải quân Mỹ tiếp cận tàu trôi giạt của Appel. Video: Hải quân Mỹ.
Jennifer Appel và Tasha Fuiava cho biết họ lái thuyền buồm xuất phát từ Hawaii, Mỹ vào hôm 3/5 và dự định vượt 3.200 km trên biển Thái Bình Dương để đến Tahiti. Sau khi vừa xuất phát, thời tiết xấu khiến động cơ thuyền bị hỏng.
Hai người phụ nữ vẫn quyết định tiếp tục hành trình nhờ sức gió nhưng lại đi chệch hướng. Đến ngày 24/10, một tàu đánh cá Đài Loan phát hiện thuyền của họ ở vùng biển cách Nhật Bản khoảng 1.500 km về phía đông nam và báo cho tàu Mỹ. Hôm sau, tàu đổ bộ USS Ashland có mặt trong khu vực đã đến giải cứu.
"Chúng tôi thực không dám tin rằng chúng tôi có thể sống sót thêm 24 tiếng nữa trong tình trạng này", Appel nói trong video do Hải quân Mỹ quay vào tuần trước.
Tàu đổ bộ USS Ashland cập bến một căn cứ hải quân của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản hôm 30/10. Sau khi vào đến đất liền, hai người phụ nữ cho biết họ cùng hai chú chó sống sót sau hơn 5 tháng trôi giạt trên biển, nhờ mang thức ăn cho một năm và có máy lọc nước ngọt. Bất chấp khó khăn, hai cô luôn giữ tinh thần lạc quan, dành thời gian trôi giạt để học biết thêm về biển cả và thời tiết.
Tuy nhiên, dư luận bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh câu chuyện trôi dạt trên biển nhiều tháng của Appel và Fuiava, theo NYTimes.
Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết có một thiết bị phát tín hiệu cấp cứu trên thuyền nhưng chưa bao giờ được kích hoạt. Điều này trái ngược với lời kể của hai người phụ nữ rằng sau khi lênh đênh trên biển khoảng hai tháng, vượt quá thời gian ước tính đến Tahiti, họ mới bắt đầu phát tín hiệu cầu cứu nhưng nhiều ngày trôi qua, không tàu thuyền hay trạm đất liền nào nhận được tín hiệu do không ở đủ gần.
Sau khi cơ quan chức năng và báo chí gặng hỏi đi hỏi lại về vấn đề này, hai người mới công nhận họ chưa bao giờ dùng đến thiết bị phát tín hiệu cầu cứu vì cho rằng tình cảnh chưa đến mức quá tuyệt vọng.
Bên cạnh đó, trong video của Hải quân, cô Appel kể rằng sau khi rời bến Honolulu ở đảo Hawaii, ngay trong đêm đầu tiên, họ gặp một trận bão lớn kéo dài ba ngày. Tuy nhiên, theo cơ quan khí tượng, không có cơn bão nào đi qua vùng biển đó vào đúng thời điểm như miêu tả, nhà nghiên cứu Charlie Woodrum của Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia ở Honolulu khẳng định chỉ ghi nhận có cảnh báo gió cấp 6-7 với vận tốc gần 60km/h. Nếu xảy ra bão "cấp 11" như Appel mô tả, sức gió phải lên tới hơn 100km/h.
"Vào tháng 5, bão cấp 11 cực kỳ hiếm", Woodrum nói.
Một tình tiết khác cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ là vụ con thuyền bị đàn cá mập hổ tấn công.
"Lũ cá thật kinh khủng. Chúng tôi quá may mắn vì con thuyền đủ chắc để chịu vụ tấn công suốt đêm", Appel kể lại chuyện bị một đàn cá mập hổ tấn công trong đêm. "Tôi trốn xuống tầng dưới cùng hai con chó, dặn chúng đừng sủa vì sợ lũ cá mập đánh hơi thấy".
Cụ thể, theo lời kể của Appel, 5 con cá mập hổ dài 6-9 m tấn công thuyền của họ để dạy hai con cá bé trong đàn cách săn mồi. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Appel còn nói rằng đàn cá mập này đã rình rập họ suốt một tuần trước khi tấn công.
Tuy nhiên, ông George Burgess, giám đốc chương trình nghiên cứu về cá mập tại Viện bảo tảng Lịch sử Tự nhiên Florida, nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện cá mập hổ tấn công.
"Nghe như câu chuyện của một đứa trẻ 4 tuổi", ông Burgess nói. "Dựa vào kiến thức của chúng tôi về cá mập, tôi khẳng định chẳng có một miligram chính xác nào trong câu chuyện đó cả".
Cá mập hổ không tương tác với nhau theo bầy. Chúng cũng không dạy các con chưa trưởng thành săn mồi, nhà nghiên cứu Burgess cho biết đồng thời loại bỏ cả khả năng Appel nhầm lẫn cá mập hổ với loại cá mập khác.
"Loài cá mập duy nhất khớp với miêu tả là loài xuất hiện trong bộ phim kinh dị Jaws", ông Burgess mỉa mai.
Ngoài ra, nhiều người có kinh nghiệm lái thuyền cũng tỏ ra nghi ngờ câu chuyện trôi dạt trên biển suốt hơn 5 tháng của hai người phụ nữ Mỹ. Trong số đó có Linus Wilson, giáo sư ngành tài chính tại Đại học Louisiana, người viết sách và blog về kinh nghiệm đi biển tới nhiều nơi trên thế giới.
"Thật khó tin rằng anh có một con thuyền với cột buồm nguyên vẹn như vậy và cô Appel nói họ có thể đi với tốc độ 4 - 5 hải lý một giờ, thế mà họ lại không thể vào đến bờ", Wilson nhận xét.
An Hồng