Các đôi trai gái trò chuyện và trao đổi thông tin với nhau trong sự kiện hẹn hò ở Thượng Hải. Ảnh: Telegraph |
Với hy vọng tìm được một nửa của mình trong sự kiện này, hàng nghìn đôi trai gái đã gặp gỡ, trò chuyện và giới thiệu bản thân với nhau. Những thông tin chi tiết về bản thân cũng được họ dán đầy một bức tường như "Tên: Yao Qin, cao: 163 cm, ngày sinh: 07/1987" "Sống ở Thượng Hải, đã tốt nghiệp đại học, thu nhập hàng năm 20.000-50.000 nhân dân tệ".
Giống như New York hay London, Thượng Hải đang trở thành một thành phố của những người mắc chứng nghiện việc. Công việc đã khiến hàng loạt thanh niên không còn đủ thời gian để tìm bạn đời cho mình. Để chia sẻ với sự bận rộn của giới trẻ, 40 trung tâm môi giới hôn nhân đã tổ chức "Lễ hội tình yêu và hôn nhân" lần đầu tiên tại Thượng Hải.
Hơn 10.000 vé tham dự sự kiện này đã được bán ra. Tuy nhiên, Shu Xin, một trong các nhà tổ chức cho biết lễ hẹn hò hôm 12/11 đã thu hút đến 20.000 người và hôm qua là 18.500 người.
"Hàng dài đến mức nhiều người còn dọa sẽ khiếu nại lên thị trưởng Thượng Hải", ông Shu Xin nói.
Ít nhất một phần ba trong số người tham gia là các bậc cha mẹ đi tìm bạn đời hộ con cái mình. Những người tham gia đặt ra những tiêu chuẩn khá khắt khe về người bạn đời mà họ tìm kiếm. Nhiều nam giới muốn tìm một không cần quá xinh đẹp nhưng phải hiền lành, thật thà và giỏi nội trợ. Yêu cầu tối thiểu của các chị em phụ nữ về đức lang quân tương lai lại rất thực tế.
"Có khoảng 20-30 bà mẹ đã đến trao đổi với tôi số điện thoại của con trai họ", Liu Xiuling, một tư vấn viên makerting 23 tuổi, nói. "Tôi muốn một người chồng có nhà và xe ô tô. Tôi tin vào tình yêu nhưng tôi nghĩ cần phải cân bằng giữa cảm xúc và thực tế".
Xue Xiaoyue, 27 tuổi, thì cho biết cô bị coi là "gái ế" trong làng. "Ở làng tôi tại tỉnh An Huy, người ta kết hôn khi mới 20 tuổi. Những cô trên 25 tuổi mà chưa có chồng đều bỏ khỏi làng vì xấu hổ". Cô cho hay cô rất sợ phải về nhà trong những kỳ nghỉ lễ vì phải nghe những lời ca thán từ bố mẹ và người thân. Xue đã vượt gần 500 km để đến Thượng Hải tham dự sự kiện hẹn hò này nhưng vẫn đề ra những yêu cầu khắt khe.
"Tôi không muốn lấy một người không có nhà, nhưng một ngôi nhà có do vay tiền để mua thì cũng có thể chấp nhận được", Xue nói.
Với những người đã tốt nghiệp cử nhân ở Trung Quốc, việc mua nhà để cưới vợ là rất quan trọng. Giá một căn hộ hai phòng ngủ ở trung tâm Thượng Hải hiện đã lên đến hơn 800.000 USD trong khi mức lương trung bình của một người đi làm chỉ là hơn 7.000 USD một năm. Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã sửa đổi luật pháp để giảm thiểu tình trạng phụ nữ kết hôn vì tiền chứ không phải vì tình yêu. Tuy nhiên, ngày hẹn hò hôm qua cho thấy biện pháp này không hề có hiệu quả. Với nhiều cặp uyên ương, tiền mua nhà và xe là do bố mẹ chu cấp khiến nhiều người cũng tính toán trong việc lựa chọn bố mẹ nhà chồng hoặc nhà vợ.
"Con gái tôi là một người rất nhạy cảm", một bà mẹ 61 tuổi nói. "Con bé không bao giờ yêu một người không tương xứng với mình. Nhưng nếu nó thay đổi suy nghĩ, chúng tôi sẽ ủng hộ". Bà cho biết bà rất lo lắng cho cô con gái đã 34 tuổi của mình. Cô gái đã lâu không hẹn hò với ai trong khi bạn bè cô đều đã kết hôn trong năm nay.
Theo các chuyên gia, hiện nay ở Trung Quốc có đến 180 triệu người độc thân. Trang web môi giới hôn nhân lớn nhất Trung Quốc thu hút đến 47 triệu thành viên đăng ký. Với tỷ lệ chênh lệch giới tính ngày càng lớn, đến năm 2020 sẽ có 24 triệu nam giới Trung Quốc "dư thừa". Về vấn đề tài sản trước hôn nhân, 77% nam giới Trung Quốc ủng hộ "đám cưới không có gì" - không nhà và xe hơi, trong khi chỉ có 38% phụ nữ sẵn sàng suy nghĩ về việc lấy một người "không có gì" làm chồng.
Anh Ngọc (Theo Telegraph)