Các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Na Uy luôn tự hào về tỉ lệ tái phạm tội thấp nhất thế giới. Trong khi đó, hệ thống nhà tù ở Mỹ được xếp vào diện cực kỳ nghiêm ngặt nhưng tỉ lệ tái phạm của tù nhân lại thuộc hàng cao nhất thế giới. Để giải quyết bài toán đó, vào năm 2015, các giám đốc nhà tù và nghị sĩ của bang miền trung tây nước Mỹ North Dakota đến Na Uy để tận mắt tham quan hệ thống nhà tù ở quốc gia này. Sau chuyến đi, chính quyền bang North Dakota quyết định thử nghiệm áp dụng mô hình nhà tù ở Na Uy vào một số cơ sở giam giữ phạm nhân ở bang, theo CNN.
Trong nhà tù xây dựng theo mô hình "nhân đạo", các phạm nhân có phòng riêng với đầy đủ tiện nghi, hàng ngày lao động, chơi thể thao và tham gia các lớp học theo sở thích cá nhân. Các bữa ăn hàng ngày cũng được cải thiện, ngoài khẩu phần ăn theo suất, còn có các bữa phụ với pizza nóng.
Jonathan McKinney, lĩnh án 17 năm tù vì tội giết người tại nhà tù ở bang North Dakota, cho rằng môi trường nhà tù mới đã giúp mình thay đổi thái độ sống.
"Họ đối xử với tôi tử tế, như cách người ta đối xử với một con người. Tôi không còn bạo lực nữa. Tôi không còn cảm thấy lúc nào cũng muốn đánh ai đó nữa.Tôi cảm thấy họ đã cho tôi điều gì đó - một cơ hội để chứng minh rằng tôi có thể thay đổi", McKinney nói sau hai năm không ít lần phải vào phòng biệt giam trong nhà tù kiểu cũ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với mô hình nhà tù không hình phạt này. Cựu quản giáo Sam Mitchum, từng làm việc ở những nhà tù có an ninh nghiêm ngặt nhất bang North Dakota, cho rằng nhà tù là nơi để giáo dục tội phạm, cho họ biết mỗi hành động sai trái đều phải trả giá.
"Nếu có kẻ lấy mạng vợ tôi, tại sao gã đó được hưởng cuộc sống trong nhà tù có trò chơi điện tử và pizza miễn phí?", Mitchum chất vấn.
An Hồng