Các cô gái tham gia một chương trình hò hẹn ở Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Một số cô nói rằng đối tác tiềm năng còn phải có ôtô xịn.
Những tiêu chuẩn trên có thể không đại diện cho tất cả các cô gái nhưng ít nhất đó là những gì bạn cảm nhận nếu xem truyền hình Trung Quốc ngày nay. Dù truyền hình vẫn chậm bắt kịp xu hướng hiện thời, những chương trình hò hẹn và phiên bản copy của American Idol cũng thu hút hàng triệu người xem.
Người dân đất nước hơn một tỷ dân mới đây sững sờ khi người mẫu Ma Nuo, 22 tuổi, từ chối lời mời đi chơi bằng xe đạp của một ứng viên trong một chương trình truyền hình thực tế. Ma thẳng thừng tuyên bố: "Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp".
Lời phát biểu đó được đăng lại lan tràn trên Internet và biến Ma vụt thành sao. Cô nhận được hàng loạt lời mời xuất hiện trong các chương trình truyền hình và trở thành một trong những phụ nữ được nói đến nhiều nhất tại Trung Quốc.
Xu hướng này trong giới trẻ cũng cho thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc, nơi các giá trị dần thay đổi và việc tìm vợ ngày càng khó khăn.
"Nhiều người coi sự trinh bạch quan trọng như chính cuộc sống của họ, nhưng Ma Nuo, cô gái nông cạn, độc thân, ăn nói sắc sảo kia coi nó chẳng bằng giấy đi toilet. Vì cô ta muốn thành siêu sao", một công dân mạng có tên Wang Xi Jie viết trên một diễn đàn.
Xie Yong, một blogger khác, viết trên trang Sohu rằng chương trình truyền hình thực tế nói trên gây tranh cãi bởi một số cô gái tham gia đặt nặng chuyện tiền bạc và sùng bái người giàu. "Quan điểm đó đi ngược với giá trị truyền thống nhưng chúng ta chẳng làm được gì nếu những người này chỉ thích những thứ xấu xa", Xie bày tỏ.
Quan ngại trước sự tức giận của công chúng về câu nói nổi tiếng kia của Ma, cơ quan quản lý truyền hình, phát thanh và phim ảnh Trung Quốc ra hàng loạt quy định mới về các chương trình liên quan đến mai mối. "Không nên thể hiện những giá trị về xã hội và tình yêu không đúng đắn cũng như việc sùng bái tiền bạc trong các chương trình này", thông báo của cơ quan có đoạn.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu lần theo những kẻ đào mỏ hoặc sùng bái tiền. Ma Nuo hay còn được biết đến với biệt danh "quý bà BMW" không phải là mục tiêu duy nhất. Zhu Zhenfang, một cô gái cũng tham gia chương trình hò hẹn nói trên, khiến nhiều người nhíu mày khi từ chối bắt tay với ứng viên tiềm năng và tuyên bố anh phải trả 200.000 nhân dân tệ (29.000 USD) để nhận được vinh dự đó. "Tại sao lại 200.000 tệ ư? Bởi vì tiêu chí cơ bản cho bạn trai tương lai của tôi là anh ta phải kiếm được số tiền đó mỗi tháng".
Liu Yunchao, một nam thí sinh, cũng bị chỉ trích vì thái độ ngạo mạn sau khi khoe anh có 880.000 USD trong tài khoản và ba chiếc xe thể thao. Người ta đồn rằng Liu chỉ là một diễn viên và đang cố tỏ ra giàu có.
Dù bị chỉ trích, các chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò vẫn hút lượng lớn khán giả ở Trung Quốc. "Tại sao người ta vẫn xem ư? Họ thích vì những người tham gia thẳng thắn và dám nói về thực tế xã hội Trung Quốc hiện nay", Yan Mu, một trong những sáng lập viên của trang hẹn hò trực tuyến Baihe.com nhận định.
Yan cho rằng nam giới nước này ngày nay mải kiếm tiền và tạo dựng sự nghiệp mà không có thời gian cho hẹn hò. Nhiều người chịu áp lực về chuyện lập gia đình từ bố mẹ. "Tiền không giúp bạn mua được tình yêu nhưng trong các chương trình thực tế này, ít nhất nó giúp bạn có được một cuộc hẹn", Yan nói.
Ngọc Sơn (theo Time)