Gần một nửa người lớn và 1/3 trẻ em ở Qatar, bị thừa cân, theo tạp chí Atlantic. Các chuyên gia sức khỏe cho rằng tỉ lệ khuyết tật bẩm sinh và rối loạn gen di truyền, hậu quả của chứng thừa cân và bệnh tiểu đường, ngày càng tăng cao.
Với nguồn khí tự nhiên dồi dào và dân số chỉ ở mức 2,5 triệu người, Qatar là quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Qatar phụ thuộc vào người lao động nước ngoài để phát triển kinh tế, gần 90% lực lượng lao động ở quốc gia này là dân nhập cư. Trong khi đó, công dân Qatar, chỉ chiếm 15% tổng dân số, lại nắm trong tay phần lớn của cải.
Giàu lên nhanh chóng, nhiều người Qatar không kịp thích ứng với cuộc sống mới. Chỉ trong vòng vài thập kỷ, Qatar chuyển mình từ một nước ngư nghiệp nghèo thành một quốc gia xuất khẩu khí đốt giàu có. Người dân trước kia sống trong bộ lạc nay chuyển tới những căn biệt thự xa hoa chạy máy lạnh cả ngày, có quản gia, giúp việc, vú em và đầu bếp phục vụ.
Những tập quán truyền thống như kết hôn nội tộc giữa anh em họ vẫn phổ biến cũng góp phần khiến tình trạng sức khỏe của dân Qatar suy giảm nghiêm trọng.
Theo ông Sharoud Al-Jundi Matthis, giám đốc chương trình của một trung tâm chuyên nghiên cứu về tiểu đường cho biết hiện tượng những người béo phì, di truyền rối loạn gen cho thế hệ Qatar tiếp theo đang ở mức báo động. Tỉ lệ mắc tiểu đường ở quốc gia vùng Vịnh này cao hơn hẳn so với các nước khác trên thế giới. Đồng thời, bệnh nhân mắc tiểu đường sớm hơn 10 năm so với mức trung bình.
"Đây là vấn đề tương lai rất, rất nghiêm trọng", ông Matthis nói.
"Ai cũng biết về bệnh tiểu đường nhưng vấn đề là người ta chỉ nói về nó thôi mà chẳng làm gì cả", Adel Al-Sharshani, 39 tuổi, được chẩn đoán mắc tiểu đường từ nhiều năm trước. Cha và khá nhiều bạn bè của Al-Sharshani cũng mắc căn bệnh này.
Mắc bệnh khi còn quá trẻ, anh Al-Sharshani đối mặt với nguy cơ biến chứng cao như mù lòa, thậm chí liệt.
"Tôi rất sợ sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Tôi lo sợ cho tính mạng của mình", anh nói.
Để cải thiện tình hình, chính phủ Qatar khuyến khích người dân tập thể dục thường xuyên hơn và thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
"Bạn sẽ không bao giờ thấy phụ nữ Qatar đạp xe đâu", Honey Stinnett, một người Malaysia sống ở Doha, cho biết. Hầu hết phụ nữ ở đây phải mặc áo choàng dài màu đen được gọi là abaya, kết hợp với hijab (khăn trùm đầu) hay niqab (khăn trùm chỉ hở mắt).
"Bạn nghĩ mình có thể tập thể dục trong trang phục đó không?" Stinnett nói, "Chính vì phụ nữ Qatar bị giữ ở trong nhà cả ngày nên họ mới ngày càng béo phì".
"Ở Qatar, chúng tôi chỉ ngồi, hút thuốc và ăn đồ ăn vặt suốt. Chẳng có nhiều việc để làm. Mọi thứ đều tự động. Hầu hết chúng tôi ngồi làm việc trong văn phòng máy lạnh. Chẳng phải động tay động chân vào việc gì cả", Hassan Tiaz, 19 tuổi, cười lớn và chỉ vào bụng ngấn mỡ của mình.
Dân Qatar cho rằng những người phải đổ mồ hôi lao động ngoài trời, như thợ làm vườn, công nhân xây dựng, là tầng lớp thấp kém.
"Thanh niên Qatar là những đứa trẻ giàu có được nuông chiều. Bất cứ khi nào muốn đi ra ngoài, họ chỉ cần bước từ nhà lên xe ôtô và lái đến chỗ cần đến", Abdullah Rashid, 20 tuổi, nói.
"Và người Qatar còn thích ăn uống nữa".
An Hồng