Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người vừa trở thành Giáo hoàng Francis. Ảnh: AP |
AP đưa tin Giáo hoàng Francis từng phải cắt một lá phổi khi ông ở tuổi thiếu niên. Rất có thể các bác sĩ phải cắt một bên phổi ông vì tình trạng nhiễm trùng. Vào thời đó, các liệu pháp điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh chưa ra đời. Vì thế các bác sĩ thường cắt bộ phận nhiễm trùng để ngăn chặn nó lan sang các bộ phận khác.
May mắn thay, việc mất một lá phổi không hề ảnh hưởng tới sức khỏe. Vấn đề duy nhất mà Giáo hoàng Francis phải lưu tâm là khả năng kháng bệnh hô hấp của ông thấp hơn so với những người có đủ hai lá phổi. Điều đó có nghĩa là, nếu ông bị cúm, nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn người bình thường. Ngoài ra nguy cơ viêm phổi của ông cũng lớn hơn.
"Việc sức khỏe của Giáo hoàng Francis vẫn tốt cho thấy ca phẫu thuật cắt lá phổi từ thời niên thiếu không hề cản trở ông tận hưởng một cuộc sống bình thường và năng động", John Belperio, giáo sư trường Y tại đại học LOs Angeles, California, nói.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy phổi của chúng có khả năng tái tạo. Một số nghiên cứu đối với trẻ em cho thấy phổi của trẻ có thể tái tạo một lượng mô nhất định để thay thế những mô phổi đã mất.
"Nếu Giáo hoàng Francis thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ viêm nhiễm - như tiêm vắc-xin ngừa viêm phổi và tiêm phòng cúm hàng năm - thì người ta sẽ không phải lo ngại về sức khỏe của ông", tiến sĩ Ronald Crystal, một chuyên gia của Trung tâm Y khoa Weill Cornell, bình luận.
Việt Linh