Trái với cuộc sống bận rộn và tấp nập ở Mumbai, thành phố thương mại và giải trí nổi tiếng Ấn Độ, khu tái định cư Mahul ở ngoại ô có bầu không khí ảm đạm và u ám. Làng chài cũ Mahul trở thành nơi trú ngụ cho hơn 30.000 người nghèo khi chính quyền quyết phá bỏ các khu ổ chuột để nhường chỗ cho các công trình xây dựng, theo Guardian.
Người dân bị nhồi nhét trong 72 tòa chung cư cao 7 tầng, bao quanh là nhà máy lọc dầu, xưởng sản xuất thuốc trừ sâu và trạm biến áp. Không khí nồng nặc mùi hóa chất, nước thải chảy lênh láng trên các con phố hẹp. Bệnh viện công gần nhất cách đó tới 11 km, nên dân nghèo tìm đến các phòng khám tự pha chế thuốc, vừa xếp hàng vừa ho không dứt.
Mahul là khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng theo đánh giá của Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm Ấn Độ. 67,1% dân cư có triệu chứng khó thở ít nhất ba lần một tháng, 86,6% mắc các bệnh về mắt và số người thường xuyên cảm thấy tức ngực chiếm tới 84,5%.
"Ở đây không có trường học, bệnh viện, nhà thuốc hay bất kỳ cơ sở dân sinh nào, chỉ có khói đen mù mịt cuộn lên từ các ống khói nhà máy và một lò hỏa táng. Phải chăng đây là cách chính phủ nói với chúng tôi rằng họ đưa chúng tôi tới đây để chờ chết?" Anita Dhole, 40 tuổi, người có ngôi nhà nằm trong vành đai an toàn công trình đường ống Tansan bị giải tỏa 12 tháng trước cho hay.
Cơ quan Quản lý Dân sự thành phố Mumbai (BMC) di dời người dân tới Mahul 6 năm trước, sau khi tòa án Mumbai ra quyết định giải phóng mặt bằng, phá dỡ các khu nhà ổ chuột hai bên đường ống dẫn nước vì lý do an ninh và y tế. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhà bị phá dỡ, người dân tiếp tục quay lại dựng nơi ở tạm.
Tháng 9/2017, chính quyền đề xuất dự án xây làn đường xe đạp và bộ hành dài 23 km dọc theo chiều dài đường ống nước Tansa, trị giá 45 triệu USD. Dự án có hai phần đường chính: một chạy từ phía đông bắc Mulund tới trung tâm Dharavi, phần còn lại từ phía đông Ghatkopar sang phía nam Sion.
Với tên gọi "Bánh xe màu lá lăn trên con đường màu nước", dự án mở làn đường này mang hai mục tiêu chính: ngăn cư dân trở lại dựng nhà tạm bằng cách mở ra không gian công cộng dọc hai bên đường ống nước và tạo môi trường thân thiện và lành mạnh giữa chốn đô thị ngột ngạt và đông đúc.
Có khoảng 16.000 ngôi nhà dọc đường ống nước Tansa đã bị phá dỡ. 6.000 ngôi nhà khác trong nằm trong diện sắp bị giải tỏa. Phần lớn người dân có nhà bị giải tỏa sẽ được tái định cư tại Mahul.
Rishi Agarwal, nhà quy hoạch đô thị ở Mumbai, tin rằng sự phát triển của thành phố đang đẩy người nghèo đến đường cùng.
"Trong suốt hai thập kỷ qua, ý định của các nhà cầm quyền là đẩy người nghèo ra ngoại ô, nhằm tạo điều kiện đất đai, xây dựng nhà cho tầng lớp giàu có", ông nói. "Dân nghèo bị đẩy tới các khu tái định cư. Ở đó, những nhu cầu thiết yếu nhất như hệ thống thông gió, xử lý chất thải và kết nối giao thông đều không được đáp ứng. Mahul thật không khác gì địa ngục".
Kusum Gangavne, một kỹ sư phần mềm 37 tuổi, mất cả bố lẫn mẹ chỉ sau 6 tháng chuyển tới Mahul. Bố mẹ cô vốn khỏe mạnh, song ông bà nhanh chóng mắc bệnh hô hấp và chuyển thành hen suyễn nặng rồi tử vong. Chính Gangavne cũng đang gặp các triệu chứng như viêm cơ, khó thở, ho khan và sút cân nhanh.
"Tôi đã bán trang sức mẹ để lại nhằm trang trải cuộc sống. Đây không phải là giải pháp lâu dài, nhưng với tình trạng sức khỏe yếu như lúc này, tôi sẽ sớm đoàn tụ với cha mẹ mình thôi", Gangavne chia sẻ. "Ngôi nhà mới tiện nghi hơn nơi so với chỗ cũ, có phòng tắm, phòng ăn. Nhưng chẳng nghĩa lý gì khi nó khiến tôi chết dần".
Tại Mahul, nước sạch là mơ ước của nhiều người. Nước sinh hoạt bị lẫn dầu, khiến nhiều người mắc bệnh nhiễm trùng dạ dày. Ông Subhash Jadhav, nhà báo 52 tuổi bị viêm da sau khi chuyển về Mahul, đã khiếu nại với MBC và chỉ nhận được câu trả lời rằng chính quyền không có đủ nguồn nhân lực để giải quyết vấn đề.
Ít nhất 130 trẻ em tại Mahul không được đi học do thiếu trường lớp. Tuy chính quyền thành phố đã lập một trường học tạm thời, nhưng giải pháp này không giải quyết triệt để nhu cầu giáo dục.
"Học sinh 6 tuổi và 9 tuổi bị nhồi chung vào cùng một lớp, học cùng một bài học. Những đứa trẻ lớn tuổi hơn thậm chí còn không có lớp mà học", nhà hoạt động xã hội Bilal Khan nói.
Hệ thống giao thông công cộng cũng là một vấn đề nhức nhối. Ga tàu gần nhất cách Mahul tới 8 km. Lựa chọn duy nhất cho người dân là xe buýt, với lịch trình thất thường cùng giá vé "cắt cổ". Khan cho rằng hệ thống giao thông nghèo nàn đã tước đi kế sinh nhai của phần lớn người dân sống tại Mahul.
"Tái định cư là để nâng cao đời sống người dân, hoặc ít nhất là để chất lượng cuộc sống không đi xuống", Khan lên án. "Chính quyền đã bỏ rơi hàng nghìn người dân tại Mahul mà không để tâm tới những nhu cầu thiết yếu của họ. Người dân chỉ được cung cấp vài bức tường xi măng và cũng chỉ thế thôi".
"Những người tái định cư muốn quay lại nhà cũ của họ, vì vậy họ không ngừng 'bới lông tìm vết' để phàn nàn", MK. Magar, nhân viên của BMC bày tỏ, nhấn mạnh người dân đang phóng đại những vấn đề tại Mahul.
BMC tuyên bố sẽ xây một trung tâm y tế, một trường học tại Mahul và đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân ở Mahul thể theo yêu cầu của Tòa án Tối cao vào năm ngoái. Song chuyên gia quy hoạch đô thị Agarwal không đánh giá cao kế hoạch này. Ông cho rằng chính quyền tuy thừa nguồn lực giúp đời sống tại Mahul được tốt hơn nhưng lại thiếu lòng giúp đỡ dân nghèo nơi đây.
Bà mẹ 4 con Sushila Yadav lo sợ đã quá muộn để thay đổi. Yadav mất con trai 11 tuổi sau ba năm tới sống ở Mahul. Ban đầu, con trai bà có triệu chứng khó thở, sau đó suy phổi và tử vong. Hiện con gái 20 tuổi của Yadav cũng bắt đầu có những dấu hiệu tương tự.
"Trước khi chuyển tới đây, gia đình tôi sống trong căn nhà rộng có 5 m2 cạnh đường ống nước. Thời điểm đó tuy khó khăn, nhưng ít nhất chúng tôi đều còn sống. Giờ chỉ cần có cơ hội là tôi sẽ mang các con rời khỏi Mahul. Chúng tôi thà sống ngoài đường còn hơn nằm đây chờ chết", bà khẳng định.
Nguyễn Vân