Ông Trump phớt lờ khi báo chí hỏi về phát ngôn miệt thị châu Phi, Haiti.
Na Uy, đất nước ít khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông thế giới, bỗng nhiên thu hút sự chú ý của công chúng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cáo buộc đã gọi các quốc gia châu Phi và Haiti ở vùng Caribbe là "dơ dáy" nhưng bày tỏ thiện chí chào đón người nhập cư đến từ quốc gia Bắc Âu này, Reuters đưa tin.
Tưởng như phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump là một lời khen với người dân ở đất nước 5,2 triệu dân nhưng thực chất nó đã tạo ra làn sóng phản ứng tiêu cực. Đa phần người dân xem đây là phát ngôn mang nặng thành kiến phân biệt chủng tộc và ngược hẳn với các giá trị về sự hòa hợp của Na Uy.
"Thay mặt Na Uy: Cảm ơn, nhưng không," Torbjoern Saetre, chính trị gia đại diện đảng Bảo thủ của Na Uy ở một khu hành chính gần thủ đô Oslo, viết trên Twitter. Nhiều quan chức chính phủ lảng tránh khi cánh báo chí đề nghị đưa ra bình luận. Một quan chức đề nghị giấu tên chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi trân trọng từ chối cơ hội (di cư sang Mỹ)".
Trong thế kỷ 19, hàng trăm nghìn người Na Uy di cư sang Mỹ nhưng vào năm 2016 chỉ có 502, tương đương 0,01% dân số nước này, chuyển đến Mỹ sống, theo số liệu của cơ quan thống kê Na Uy.
"Phát biểu này cho thấy suy nghĩ của ông Trump về việc là một công dân Mỹ có 'oách' là như thế nào," Hilde Restad, phó giáo sư về các vấn đề quốc tế từng sống nhiều năm ở Mỹ, trả lời hãng tin AP. Bà nói thêm rằng người Na Uy nói chung không muốn "được Tổng thống Mỹ nịnh đầm kiểu này".

Trung tâm thủ đô Oslo, Na Uy. Ảnh: NBC.
Na Uy là một trong những nước sản xuất dầu thô và khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Vào năm 2016, đất nước Bắc Âu này xếp thứ 13 trên thế giới về GDP bình quân đầu người, trong khi Mỹ đứng thứ 20, theo số liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy tuổi thọ trung bình ở Na Uy là 82 tuổi, đứng thứ 15 trên thế giới trong khi Mỹ đứng ở vị trí thứ 31 với tuổi thọ trung bình là 78,7. Năm ngoái, Na Uy vươn lên vị trí thứ nhất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới còn Mỹ đứng thứ 14, tụt xuống từ vị trí thứ 13 hồi năm 2016.
"Tại sao người Na Uy lại muốn di cư sang đây? Họ có hệ thống chăm sóc y tế thực sự và họ sống thọ hơn," Stephen King, tác giả Mỹ nổi tiếng với những thiểu thuyết kinh dị và khoa học viễn tưởng, viết trên Twitter.
Các chính trị gia Na Uy có thể tế nhị lảng tránh hoặc bình luận nhẹ nhàng về phát ngôn của Tổng thống Trump nhưng người dân Na Uy thì không.
"Người ta chào đón chúng tôi cũng là chuyện tốt," cô Ingvild Rosseland, một người dân Oslo, trả lời khi được hỏi ý kiến về phát biểu của ông Trump. "Nhưng tôi không coi đó là một lời khen."
Đài truyền hình Quốc gia Na Uy TV2 xuống đường và hỏi mọi người liệu họ có muốn dọn đến Mỹ sống không. Không ai trả lời có. "Tuyệt đối không," một người đàn ông nói. Và một người phụ nữ nói thêm: "Có, nếu như họ có tổng thống mới."
An Hồng