Khác với hầu hết quốc gia trên thế giới, Nhật Bản có xu hướng không chấp nhận những đứa trẻ hay khóc. Trong nỗ lực tìm kiếm sự đồng cảm từ xã hội, một nhóm phụ nữ Nhật vào năm 2016 đã phát động chiến dịch "Tôi yêu Trẻ em", khuyến khích mọi người dùng miếng dán in khẩu hiệu "Naitemo iiyo" (khóc cũng không sao) để cho các bà mẹ thấy rằng đa số người dân không còn ngại tiếng khóc của trẻ em.
Vào đầu tháng 6, 13 chính trị gia Nhật Bản đã cam kết ủng hộ chiến dịch này, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi của chính phủ, hướng tới việc giúp xã hội Nhật thân thiện hơn với gia đình, theo Quartz.
Không chấp nhận tiếng khóc trẻ em
Việc xây dựng các trung tâm chăm sóc trẻ em của chính phủ Nhật từng vấp phải sự phản đối của cư dân xung quanh bởi họ lo ngại những đứa trẻ sẽ gào khóc gây ồn ào. Nhiều sự việc khác tại Nhật cũng thể hiện sự kỳ thị với tiếng khóc trẻ em.
Hồi tháng 10/2017, hãng hàng không All Nippon Airways đã tiến hành nghiên cứu nhằm tìm ra cách ngăn chặn trẻ em khóc khi máy bay cất và hạ cánh. Hãng này cho rằng những bố mẹ có con nhỏ nên tránh di chuyển bằng máy bay bởi sẽ gây ra nhiều tiếng ồn gây phiền tới các hành khách khác.
Trước đó, vào tháng 10/2014, một người đàn ông bị cáo buộc cầm rìu đe dọa bố mình, do ông đã đón đứa con 6 tuổi của chính anh ta từ trung tâm chăm sóc trẻ em về nhà. Cảnh sát cho biết người này từng tới văn phòng thành phố để khiếu nại, đồng thời đe dọa sẽ tấn công nhà trẻ nếu tiếng ồn do trẻ con khóc không chấm dứt.
Sự kỳ thị với những đứa trẻ hay khóc đặt gánh nặng lên vai các bà mẹ, đặc biệt với những người đang đi làm, bởi họ không thể tránh được việc mang theo con mình đến nơi công cộng như tàu điện ngầm hoặc máy bay.
Một bài báo trên Financial Times tháng 9/2017 cho biết một số bà mẹ Nhật lo lắng rằng họ sẽ bị đánh giá vì có con hay khóc, làm ảnh hưởng tới quyết định ra ngoài ăn uống hoặc du lịch vào những thời điểm cụ thể.
Tỷ lệ trẻ em giảm là nguyên nhân
Người Nhật có lý do đặc biệt để khó chịu với tiếng trẻ em khóc. Tỷ lệ sinh giảm khiến âm thanh này dần trở nên xa lạ. Chỉ có 946.060 trẻ em được sinh ra tại Nhật vào năm 2017, con số thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1899.
"Một số người bị kích động bởi tiếng la hét của trẻ em đơn giản vì họ không quen với sự hiện diện của nó do tỷ lệ sinh giảm. Những người đó nên nhớ rằng họ cũng từng là trẻ em và có lẽ cũng ồn ào như thế", một bài báo trên Japan Times năm 2014 nhận định.
Có lẽ do tiếng trẻ em khóc không phổ biến ở Nhật khiến nhiều người nghĩ rằng đây là hiện tượng hoàn toàn có thể phòng tránh. Trẻ sơ sinh Nhật Bản nằm trong số những đứa trẻ ít khóc nhất thế giới, cùng với Đan Mạch và Đức. Thậm chí các công ty kẹo của Nhật còn tiếp thị sản phẩm với các bà mẹ bằng những video gợi ý cách giúp trẻ em ngừng khóc.
Tình trạng này dẫn đến tư tưởng cho rằng đứa trẻ khóc là lỗi của người mẹ. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2016 của Brazil chỉ ra rằng việc khóc không ngừng nghỉ là triệu chứng phổ biến trong ba tháng đầu đời. Hành động ép trẻ em ngừng khóc thậm chí còn gây hại hơn so với việc để chúng khóc tự nhiên.
Sự thúc đẩy mới về mặt chính trị đối với quyền được khóc của trẻ em được hy vọng sẽ giúp các bà mẹ Nhật cảm thấy thoải mái hơn khi tới nơi đông người.
Ánh Ngọc