Lee Meng Zu mới 18 tuổi khi cô vượt biên trái phép từ con sông ở gần tỉnh Hamgyong của Triều Tiên vào Trung Quốc năm 1998, nghe theo lời hứa hẹn về công việc rửa bát đĩa tại một nhà hàng bí mật tuyển người Triều Tiên, theo NBC News.
Trước đó, cô đã theo học một trường nghệ thuật với ước mơ được lựa chọn để biểu diễn trên truyền hình hay trước những quan chức chính quyền Triều Tiên. Tuy nhiên, cô không đạt yêu cầu chiều cao từ 1,6 mét trở lên.
Lee đã nghe về cơ hội việc làm rửa bát trong nhà hàng từ những thương nhân gốc Hoa thường đến chợ của bà cô. Nhưng khi đến nơi, cô biết được sự thật khủng khiếp: chủ nhà hàng đã mua cô để làm vợ cho con trai ông ta.
"Chồng" của Lee khi đó không ở nhà vì đang trong quân ngũ. Cô không biết số tiền chính xác mà kẻ bán cô cho chủ nhà hàng nhận được, nhưng Lee biết rằng những phụ nữ rơi vào trường hợp tương tự được trả giá khoảng 1.000 - 2.000 USD. "Thật đáng hổ thẹn", Lee nói. "Tôi không hề muốn bị bán".
Lee sau đó tìm cách chạy trốn. Cô và một người anh họ gặp những người Triều Tiên đào tẩu khác ở Trung Quốc. Năm 1999, Lee lên một con tàu cho phép những người không có hộ chiếu đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, con tàu bị các nhân viên an ninh Triều Tiên chặn lại, cô bị nhốt vào tù. Vì là trẻ vị thành niên, Lee được thả một tháng sau đó.
Vẫn quyết tâm đào tẩu, Lee được bố cho 20 USD để hối lộ một lính canh Triều Tiên nhằm vượt biên lần hai. Lee sau đó sống ở Trung Quốc 9 năm và có con với một người đàn ông Hàn Quốc ở đây.
Sau khi chia tay người này, cô làm hướng dẫn du lịch tại thành phố Thẩm Dương và gặp một số nhà sản xuất phim tài liệu. Họ giới thiệu cô với mục sư Ki-won Chun, người đã giúp những người Triều Tiên đào tẩu bắt đầu cuộc sống mới tại Hàn Quốc từ năm 1999.
Chun nói khoảng 99% người Triều Tiên trốn sang Trung Quốc thông qua những kẻ buôn người. "Vì Trung Quốc thiếu phụ nữ, một số người Trung Quốc sẽ đưa tiền cho lính biên phòng để đưa phụ nữ vào", ông nói.
Số phụ nữ đào tẩu khỏi Triều Tiên gia tăng trong những năm gần đây. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, năm 1998, 12% trong số 950 người Triều Tiên đào tẩu là nữ. Năm 2017, nữ giới chiếm 83% trong số hơn 1.120 người đào tẩu. Phụ nữ thường ít bị để ý hơn khi đi sang Trung Quốc. Nhiều người dễ bị bán làm cô dâu hoặc nô lệ tình dục.
Sokeel Park, giám đốc nghiên cứu và chiến lược của tổ chức phi chính phủ Tự do ở Triều Tiên cho biết những phụ nữ này phải chọn lựa, một là phải chịu ở lại làm dâu ở Trung Quốc hoặc được cảnh sát Trung Quốc giải cứu nhưng sẽ bị đưa trở lại Triều Tiên.
Lee đã đổi tên khi đến Hàn Quốc năm 2008, nhưng vẫn lo sợ chính quyền Triều Tiên trừng phạt gia đình cô vẫn đang sống ở quê nhà. Tại Hàn Quốc, Lee làm nhân viên văn phòng và kết hôn năm 2011. Cô có hai con trai. "Tôi cảm thấy chồng tôi luôn che chở cho tôi", cô nói. "Tôi rất may mắn".
Khi theo dõi Olympic mùa đông PyeongChang, cô thấy một nhóm nghệ sĩ Triều Tiên biểu diễn trên truyền hình. Lee vẫn nhớ những giai điệu đó. Cô nghĩ về gia đình mà cô có thể không bao giờ gặp lại và bật khóc.
Phương Vũ