Hầu hết những người trong đoàn chưa bao giờ gặp nhau trước đây, nhưng họ có một mối gắn kết mà ít ai hiểu được. Là các cựu binh của một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử Mỹ, họ đang quay trở lại chiến trường mà họ từng tham chiến gần 50 năm trước. Mỗi người có những lý do khác nhau và phức tạp để thực hiện chuyến đi này.
Đặt chân xuống Đà Nẵng
Trên đoàn xe Jeep màu olive mang biển số Đà Nẵng, 15 cựu binh từng phục vụ ở đây hoặc quanh thành phố biển này dạo qua những con phố ngày chủ nhật, thu hút sự chào đón từ người dân địa phương.
Theo Stars and Stripes, chuyến đi Việt Nam của 14 lính thủy đánh bộ và một sĩ quan bệnh viện Hải quân này do tổ chức phi lợi nhuận mang tên The Greatest Generations Foundation tổ chức.
"Mọi người thật tuyệt vời. Những người đứng dọc đường và vẫy chào khi chúng tôi đi qua, tất cả đều mỉm cười, vẫy tay và vui mừng. Thật tuyệt khi được chứng kiến cảnh đó", ông Steven Berntson, người đóng quân ở Đà Nẵng và nhiều nơi thuộc miền trung Việt Nam giai đoạn 1967-1968 , nói về ấn tượng đầu tiên của chuyến đi.
50 năm sau ngày Berntson rời khỏi đây, Đà Nẵng đã lột xác. Từ địa bàn đóng quân của hàng loạt căn cứ quân sự Mỹ, Đà Nẵng ngày nay đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại với hơn 1,3 triệu dân, những đường phố tấp nập xe cộ và các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, một số nơi là chiến trường cũ của ông vẫn còn rõ nét, Berntson, người được sơ tán khỏi Việt Nam vì lý do y tế khi đang là một trung sĩ, cho hay.
"Tôi rất ngạc nhiên khi họ thân thiện như thế", Jorge Azpeitia, một lính thủy đánh bộ nghỉ hưu, từng phục vụ ở Đà Nẵng năm 1968-1970, nói. "Đã 50 năm trôi qua và tôi nghĩ họ rất vui khi chúng tôi đến đây".
Azpeitia cho biết cảm xúc đã trào dâng trong ông khi nhận ra những địa điểm quen thuộc quanh Đà Nẵng, nhưng ông thậm chí xúc động hơn trước sự chào đón mà các cựu binh nhận được. "Những gì tôi thấy từ người Việt Nam hôm nay là những gì chúng tôi không hề nhận được khi trở về nước, mọi người đã gọi chúng tôi là những kẻ giết người và đó là tất cả", ông nói.
Đồi 55 và Trại Reasoner
Còn rất ít dấu tích cho thấy hàng nghìn lính Mỹ từng đóng quân ở Đà Nẵng hàng chục năm trước, nhưng với đoàn cựu binh, việc tìm thấy biểu tượng hình đại bàng, quả cầu và mỏ neo của Lính thủy Đánh bộ trong ngày thứ hai ở Việt Nam vẫn là một khoảnh khắc đáng giá.
Dù đã bị mờ, biểu tượng nổi tiếng nằm trên một khối đá ở ngọn đồi nhìn ra Đà Nẵng, thuộc một căn cứ trinh sát cũ, vẫn ngay lập tức thu hút sự chú ý của Joe Silva.
"Đó là thứ đầu tiên tôi nhìn thấy khi chúng tôi lái xe đến đây", ông Silva, người từng giữ vai trò quan sát viên của Lính thủy Đánh bộ Mỹ năm 1968, nói. Ông nhớ lại thời gian mình từng ở Trại Reasoner trước khi được điều ra chiến trường phía bắc.
Biểu tượng và một bảng hiệu gần đó đánh dấu cổng vào Trại Reasoner, nơi các tiểu đoàn Lực lượng Trinh sát số 1 và 3 của Mỹ đóng quân. Đây là một trong số ít những tàn tích còn sót lại cho thấy sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Khu trại giờ đây là một mỏ khai thác đá.
Trên Đồi 55, nơi lính thủy đánh bộ Mỹ từng xây dựng một cứ điểm và một tiểu đoàn pháo binh, dấu hiệu duy nhất của cuộc chiến là một tượng đài lớn vinh danh những người lính giải phóng của Việt Nam.
Ngày nay, quan hệ giữa quân đội hai nước đang ngày càng được cải thiện. Tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ USNS Mercy sẽ đến thăm Việt Nam khi tham gia cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo và thiên tai thường niên ở Thái Bình Dương. Sự kiện này đã bắt đầu hôm 23/2 và sẽ kéo dài đến tháng 6.
Chuyến thăm của tàu USNS Mercy dự kiến diễn ra sau chuyến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào đầu tháng 3. Đây là tàu sân bay Mỹ đầu tiên ghé thăm cảng Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
An Hòa
Gần 49 năm kể từ khi đến căn cứ An Hòa vào ngày đầu tiên ở Việt Nam, ông Paul Baviello đứng giữa đường băng chạy xuyên qua khu trại, mở những bức ảnh cũ trên chiếc iPad cho thấy căn cứ lính thủy đánh bộ này xưa kia trông như thế nào. Bây giờ, đường băng trải nhựa nứt nẻ là tất cả những gì còn lại của căn cứ từng là nơi nghỉ dưỡng cho Baviello và hàng nghìn sĩ quan Mỹ khác tham chiến ở chiến trường Quảng Nam.
"Thật quá khác thường. Chúa ơi", cựu binh 70 tuổi nói khi chỉ về phía nơi có những ngôi nhà và một bãi đỗ trực thăng ngày xưa.
Dù những công trình của quân đội Mỹ đã được thay thế bằng một rừng cây rậm rạp và các nhà dân, ông vẫn cảm thấy khu vực này thân thuộc và nhận ra hình dạng 'không thể nhầm lẫn" của dãy núi mà lính Mỹ từng gọi là Charlie ở đằng xa.
"Đây là một nơi đặc biệt, nơi để đến, nghỉ ngơi một chút, ăn một bữa nóng sốt. Vì thế chúng tôi không dành nhiều thời gian ở đây. Hầu hết chúng tôi hoạt động ở giữa nơi này những dãy núi được gọi là Arizona", ông Baviello kể về căn cứ An Hòa.
Ông Baviello phục vụ ở Việt Nam năm 1969-1970 và cảm thấy ngạc nhiên với chính quyết định quay lại đất nước này của mình. Ông không dám chắc mình có muốn gia nhập đoàn cựu binh hay không nhưng nhờ sự động viên của vợ, ông nhận ra chuyến đi này có giá trị như thế nào.
Ông xem đây là cách để tưởng nhớ về những binh lính Mỹ mà ông từng làm việc, chiến đấu cùng trên chiến trường. "Đó cơ bản là những gì tôi đang làm ở đây. Tôi hy vọng điều đó giúp họ khép lại những gì mà họ đã trải qua", ông nói.
Chuyến thăm Việt Nam của 15 cựu binh Mỹ sẽ kéo dài đến ngày 7/3.
Anh Ngọc