Các bé trai 11 tuổi, những học viên mới gia nhập trường Mangyongdae, đang tập taekwondo. Ảnh: AP |
Khắp Triều Tiên những ngày này, băng rôn, biểu ngữ, các bức tranh cổ động đều tập trung về chủ đề chống "đế quốc Mỹ và những kẻ bám gót phản bội", ngụ ý đến Hàn Quốc.
Những khẩu hiệu về phát triển kinh tế Triều Tiên được trưng ra nhiều từ năm 2009 nhưng các biểu ngữ chống Mỹ gần đây lại xuất hiện, nhất là sau nghị quyết trừng phạt do Mỹ khởi xướng nhằm vào vụ phóng tên lửa tầm xa năm ngoái và vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng hai của Triều Tiên.
Tại trường Cách mạng Mangyongdae, nơi các học sinh học tập trên những chiếc máy tính không có kết nối Internet và luyện tiếng Anh bằng những câu khẩu hiệu như "Nguyên soái Kim Jong-un là cha chúng ta", không khí chiến tranh cũng sôi sục.
"Vì tình hình hiện nay, em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, vì em thực sự nghĩ rằng cách để em trả thù đế quốc Mỹ là đạt điểm cao ở lớp", học sinh Jo Chung Hyok nói. "Đó là nghĩa vụ cách mạng của em. Em đang cố gắng siêng năng hơn để đạt điểm cao ở các môn quân sự như chiến thuật và bắn súng".
Chiến dịch chống Mỹ diễn ra khi Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên vào tháng 7 tới. Cuộc xung đột dài 3 năm trong đó Triều Tiên và Trung Quốc đối đầu với các binh sĩ Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, mà không có hiệp ước hòa bình. Sự chia rẽ vẫn tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên và sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc khiến lãnh đạo Bình Nhưỡng "chướng mắt".
Trong nhiều tuần qua, Triều Tiên liên tục đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc vì tổ chức tập trận chung và ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Washington và Seoul cho biết không phát hiện bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng thực sự đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn, dù có những dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa tầm trung có khả năng chạm đến đảo Guam của Mỹ.
Cả hai bên đều tuyên bố để cùng ngồi vào bàn đối thoại thì bên kia phải hành động trước. Mỹ nói Bình Nhưỡng phải dập tắt căng thẳng và giải trừ vũ khí trước khi bắt đầu đàm phán.
Triều Tiên lại đưa ra một danh sách dài những điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại, trong đó có gỡ bỏ lệnh cấm vận, chấm dứt tập trận chung Mỹ-Hàn, rút vũ khí hạt nhân Mỹ ra khỏi khu vực và ngừng chỉ trích Triều Tiên. Hàn Quốc gọi đây là những yêu sách vô lý nhưng Mỹ lại nhìn nhận chúng như những dấu hiệu thương thuyết khả quan hơn.
Các học sinh ở trường Mangyongdae trong quân phục. Ảnh: AP |
Bên trong cơ ngơi khang trang của trường Mangyongdae, các học sinh cũng được biết về những lời công kích kẻ thù mới nhất từ chính phủ Triều Tiên, bên cạnh các môn học thông thường như sinh học, lịch sử hay ngoại ngữ.
"Vào thời điểm này, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng và Mỹ đang đối xử rất tệ với chúng tôi, nhưng mọi người thấy đấy, các học sinh ở đây trông sáng sủa như thường, đời sống và các lớp học vẫn diễn ra như trước đây", trung tá Kim Hak Bin, một quản lý của học viện quân sự nói. "Các học sinh của chúng tôi sẵn sàng ra chiến trường bất cứ khi nào chiến tranh nổ ra và bây giờ các em đang học tập với cường độ cao hơn bình thường".
Ngôi trường đóng gần nơi sinh ra người sáng lập đất nước Triều Tiên Kim Nhật Thành, ra đời năm 1947, là nơi sống, nuôi dưỡng, dạy dỗ con trai và con gái của các binh sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Nhật từ năm 1910 đến 1945.
Ngày nay, các bé gái được tách ra ở một học viện riêng đặt theo tên mẹ của Kim Nhật Thành, trường cách mạng Kang Pan Sok ở thành phố cảng phía tây Nampho.
Cố lãnh đạo Kim Jong-il từng theo học ở học viện này trong 8 tháng suốt chiến tranh Triều Tiên, theo tài liệu của trường. Con trai ông, lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un, thì không. Kim học quân sự ở trường đại học quân sự Kim Nhật Thành.
Suốt 17 năm tại vị, Kim Jong-il đánh giá rất cao tầm quan trọng của quân đội và đã đầu tư phần lớn nguồn lực ít ỏi của đất nước vào quốc phòng. Đời sống quân sự đã trở thành một phần trong bản sắc Triều Tiên.
Các học viên trẻ đang rèn luyện diễu hành và hô khẩu hiệu chính xác. Ảnh: AP |
Các học sinh tại trường Mangyongdae đang được chuẩn bị để trở thành những "nòng cốt" của quân đội Nhân dân Triều Tiên, giáo viên sinh học Ri Kyong Hui nói.
Các em được học cách diễu hành và hô khẩu hiệu chính xác đến mức ngạc nhiên như thường thấy trong các cuộc diễu binh được tổ chức nhân các dịp kỷ niệm lớn của đất nước.
Một nhóm học sinh mặc đồng phục phải khó khăn lắm mới thực hiện đúng động tác diễu hành khi một người hướng dẫn điều chỉnh cánh tay của các em. Một bé trai nhăn mặt mệt mỏi. Ở một điểm khác, các học sinh khác đang tập dượt cho một buổi biểu diễn với các khẩu súng trường giả làm đạo cụ.
Tuy nhiên, các em vẫn chỉ là những bé trai chưa lớn, và những cậu bé 11 tuổi mới gia nhập học viện hồi đầu tháng là những ví dụ về việc không tuân thủ kỷ luật. Mặc bộ áo quần màu xanh lá cây và xanh da trời, các em tỏ ra lúng túng, cười khúc khích và làm mặt tếu táo trong giờ luyện tập taekwondo.
Nhân Mã (theo AP)