Vào tháng 9/2003, một nhóm người đeo mặt nạ xông vào cửa hàng trang sức ở thị trấn Belfort thuộc miền đông nước Pháp, cách biên giới Thụy Sĩ 25 km. Một tên chĩa súng vào những người trong cửa hàng, trong khi đồng bọn của hắn đập vỡ tủ kính, thu thập trang sức và đồng hồ với tổng giá trị lên tới 350.000 euro (khoảng 410.000 USD) rồi chạy trốn. Vụ cướp diễn ra chớp nhoáng trong vòng một phút, theo AFP.
Cảnh sát sau đó đã tấn công sào huyệt của băng cướp tại Serbia, nhưng chúng không bị bắt. Tới tận năm 2013 nhóm này mới bị phát hiện danh tính sau cuộc điều tra pháp y phân tích mẫu máu đọng lại trên một tủ kính và một hộp đồng hồ.
Bằng cách xét nghiệm DNA, cảnh sát xác định hai tên trộm trong nhóm là Zica và Boka, đều 41 tuổi, mang quốc tịch Serbia và bị truy nã ở Áo. Sau khi kiểm tra các đoạn ghi âm trong điện thoại, họ tìm ra hai nghi phạm còn lại là Sasa, 37 tuổi, và Luka, 48 tuổi. 4 nghi phạm đều sống tại thị trấn Uzice ở Serbia, cách thủ đô Belgrade khoảng 150 km về phía tây nam.
Dù bị xác định danh tính, nhóm này vẫn nằm ngoài vòng pháp luật ở Pháp bởi Serbia không dẫn độ công dân. Tại buổi điều trần tháng 11/2017, cả nhóm đều phủ nhận việc liên quan tới vụ cướp ở Belfort. Một người biện hộ rằng nhóm tới đây để mua ôtô cũ.
Ngay sau phiên điều trần, Zica và Sasa bắt đầu thi hành án 5 năm tù do ăn trộm lô đồng hồ trị giá 950.000 euro (khoảng hơn một triệu USD) từ một thợ kim hoàn ở Hamburg, Đức, vào năm 2014. Boka cũng vừa bị bắt giam do gây tai nạn chết người. Nhóm này cũng bị nghi liên quan đến các vụ cướp ở Thụy Sĩ và Hà Lan.
Do không được dẫn độ, nếu Pháp muốn mở phiên tòa ở Serbia thay vì Belfort, tương tự vụ trộm ở Hamburg, hệ thống tư pháp cần chuyển hồ sơ sang Belgrade. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện nhanh chóng, bởi thời hiệu khởi kiện 15 năm sẽ hết hạn vào ngày 19/9, băng cướp sẽ không bị truy tố sau thời điểm này. Nếu bị kết tội, các nghi phạm có thể đối mặt với án phạt 15 năm tù giam.
Hàng trăm vụ trộm xuyên quốc gia
Công tố viên Ljubisa Dragasevic của thị trấn Uzice giải thích rằng nhiều người tại khu vực này hành nghề trộm cướp do khó khăn tài chính, nhưng cũng có sự "sùng bái tội phạm" trong xã hội. Các băng cướp cho rằng chúng đang bảo vệ người nghèo ở Serbia, những "nạn nhân của phương Tây", và không bao giờ hành nghề tại quê hương.
Nhóm người bị nghi ăn trộm ở Belfort đã tiến hành một số vụ cướp được cho là táo tợn nhất trong vòng hai thập kỷ qua tại nhiều nước. Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol, từ năm 1999 đến 2015, chúng đã thực hiện ít nhất 380 vụ cướp có vũ trang nhắm vào các cửa hàng trang sức cao cấp. Giá trị số tài sản cướp được lên tới 334 triệu euro (khoảng 391 triệu USD).
Tài sản thu được từ những vụ cướp mang lại cuộc sống xa hoa cho băng trộm, Dragasevic cho biết. Theo công tố viên, số tiền lớn này nhanh chóng đổ vào "các quán bar, nhà hàng, cocaine, xe hơi sang trọng và quần áo đắt tiền". Sau khi tiêu hết tiền, băng cướp quay lại hành nghề.
Hoạt động của nhóm này không chỉ giới hạn tại các cửa hàng trang sức. Một điều tra viên người Serbia cho biết chúng còn liên kết với các băng đảng ở Albania để buôn lậu ma túy tại phương Tây. Số tiền thu được dùng để cho vay nặng lãi, tài trợ cho những tội phạm trẻ hơn, hoặc đầu tư vào các quán bar, nhà hàng.
Ánh Ngọc