Dung nham lạnh chảy dưới chân Núi Agung hôm 30/11. Video: Twitter.
Núi Agung trên đảo Bali, Indonesia phóng cột tro bụi lên độ cao 4.000 m khi phun trào hôm 25/11 khiến hàng chục nghìn người rời bỏ nhà cửa, hàng nghìn du khách không thể về nhà do hàng trăm chuyến bay bị hoãn.
Các quan chức cảnh báo một đợt phun trào mạnh hơn có thể sẽ diễn ra khi ngọn núi cao nhất trên hòn đảo này giải phóng mây tro lớn và dung nham lạnh, Sky News hôm nay đưa tin.
Giới chức đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với một đợt phun trào mới. Tại trung tâm kiểm soát thảm họa chính, quân đội và tình nguyện viên tập trung nhu yếu phẩm cho những người phải rời bỏ nhà cửa. Khoảng 40.000 gia đình bị ảnh hưởng đang được hỗ trợ. Con số có thể tăng thêm hàng trăm nghìn nếu Núi Agung tiếp tục phun trào.
Ngoài các hộp thực phẩm, bếp, các thiết bị bảo hộ giúp con người sống sót trong môi trường có núi lửa phun trào như kính và mặt nạ chống tro cũng được chuẩn bị. Một kế hoạch sơ tán đang được vạch ra tỉ mỉ.
Khi núi lửa phun trào, dung nham nóng chảy không phải là mối nguy hại duy nhất. Bùn nham thạch chảy trên đáy sông sẽ thải ra khí mùi sulfur và tiêu diệt bất kỳ sự sống nào trên đường đi. Núi Agung trong lần phun trào năm 1963 khiến khoảng 1.600 người thiệt mạng.
Tin rằng chỉ các vị thần mới có thể khiến ngọn núi lửa phải khuất phục, bà Ni Nengah Joniarta làm lễ vật dâng thần linh. "Tôi dâng lễ vật này để cầu xin sự an toàn cho gia đình tôi và người dân ở Bali", bà nói.
Người dân trên đảo Bali đang trải qua một khoảng thời gian đợi chờ trong lo lắng khi đợt phun trào khác được dự báo sắp xảy ra nhưng mức độ tàn phá là điều chưa ai rõ. Núi Agung có thể phá hủy thung lũng bên dưới nếu tiếp tục phun trào.
Vũ Phong