Bác sĩ Tan Qindong hồi tháng 12/2017 đăng bài viết cho rằng rượu thuốc Hồng Mao, phương thuốc cổ truyền có nguồn gốc từ khu tự trị Nội Mông, là chất độc. Hôm 10/1, ông Tan bị cảnh sát Nội Mông bắt khi đang ở nhà riêng tại thành phố Quảng Châu, cách khu tự trị này tới hơn 2.300 km, sau đó bị giam ba tháng mà không có lý do, AFP đưa tin.
Hồng Mao là rượu thuốc phổ biến với người cao tuổi Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tan tỏ ý nghi ngờ tuyên bố của nhà sản xuất, cho rằng sản phẩm này có thể chữa được vấn đề như đau khớp và bệnh tim mạch vành. Truyền thông Nội Mông cho biết bài viết của ông Tan khiến nhà sản xuất Hồng Mao phải đưa ra thông báo phản đối.
Tuy nhiên, vụ bắt bác sĩ Tan đã khiến cộng đồng y khoa Trung Quốc tức giận. "Các cơ quan chính phủ cần phản ứng một cách cẩn trọng trước những quan điểm khoa học trái ngược, cũng như tránh hình sự hóa các tranh chấp dân sự", Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc hôm 16/4 ra thông cáo cho hay.
Y học cổ truyền là ngành công nghiệp khổng lồ tại Trung Quốc, với tổng giá trị hơn 130 tỷ USD vào năm 2016. Việc bác sĩ Tan bị bắt chỉ là một trong nhiều cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ y học cổ truyền, vốn thiếu các đợt thử nghiệm để chứng minh tác dụng, với các bác sĩ yêu cầu phát triển thuốc dựa trên đánh giá và bằng chứng thực tế.
Cơ quan quản lý thuốc Trung Quốc hôm qua yêu cầu Hồng Mao "đáp ứng các luật lệ quảng cáo thuốc", sau khi dư luận phản ứng dữ dội trước việc ông Tan bị giam ba tháng. Loại rượu này từng được cấp phép mua bán mà không cần đơn thuốc từ năm 2003. Tuy nhiên, nó từng bị ngừng bán ở ba tỉnh của Trung Quốc do "quảng cáo phóng đại".
Hồi tháng 2, tỉnh Thiểm Tây từng cấm quảng cáo của Hồng Mao, một phần trong chiến dịch siết chặt quảng cáo sai sự thật. Nhà sản xuất chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Tử Quỳnh