Người dân Campuchia dưới thời Khmer Đỏ. |
"Đôi khi, trong những giờ lao động bắt buộc trên cánh đồng", Ty nhớ lại, "tôi nhìn thấy những con chim và muốn được như chúng, bay trên bầu trời và thoát khỏi mọi khổ đau đang vây lấy tôi".
Cuối cùng giấc mơ đó của Ty cũng được biến thành hiện thực. Với ý chí mạnh mẽ rằng cần phải sống, Ty đã vượt qua những năm tháng khổ cực dưới thời Khmer Đỏ rồi tìm đường đến một trại tị nạn ở Thái Lan trước khi đến Mỹ.
Giờ đây ở tuổi 37 và là cố vấn tại trường trung học Bartlett and Butler ở Lowell, Ty thuật lại những năm tháng cùng cực của anh trong cuốn "Out of the Killing Fields". Cả cha mẹ Ty cùng 7 trong số 10 anh chị em ruột đã chết vì đói, bệnh tật hoặc tra tấn dưới thời Khmer Đỏ.
Ty cho hay đối với anh, sự lạc quan là cách tốt nhất để trả thù những kẻ đã làm hại anh. "Sự lạc quan giúp những đứa trẻ vươn tới thành công. Nó đã giúp tôi nỗ lực, trở thành một người tốt và có ích", Ty nói. "Và tôi hy vọng viết cuốn sách này với mục đích đó bởi nhiều người muốn đọc và biết về những gì đã diễn ra".
Lớn lên tại một thị trấn cách Phnom Penh khoảng 60 km về phía nam, Ty là con út của một nhà vật lý và một bà nội trợ. Khi Khmer Đỏ lên nắm quyền, gia đình Ty nhập vào dòng người từ thành thị kéo về nông thôn.
Gia đình anh đến một làng quê trong rừng già hẻo lánh sau một hành trình dài. Ở đó họ phải cầm cự để qua ngày. Sau đó, cả gia đình lại di chuyển đến phía tây bắc và làm việc trên các cánh đồng.
Ty cho biết anh không bao giờ quên được lời người mẹ nói với hai anh em trước khi bà tắt thở vì đói. "Hãy luôn nhớ rằng các con phải là người tốt dù thế giới này có đáng ghét đến đâu. Bất kỳ ai giúp đỡ các con, hãy kính trọng và đừng bao giờ quên họ".
Ty cho biết ý tưởng về cuốn sách nảy ra trong đầu anh khi anh nhìn thấy nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot trả lời phỏng vấn trên truyền hình năm 1997. "Trông ông ta chẳng khác gì một con người vô tội nhưng tôi đã nhớ lại sự độc ác của ông ta", Ty cho biết. "Tôi nghĩ những gì tôi viết không chỉ quan trọng đối với các con tôi mà cho cả những người muốn biết về sự diệt chủng ở Campuchia".
Ty hy vọng rằng cuốn sách sẽ khiến những người trẻ tuổi trân trọng những gì họ đang có ở Campuchia và hiểu rằng thậm chí trong lúc khó khăn, họ vẫn có thể thành công nếu "tin ở bản thân, tôn trọng người khác và lạc quan".
Ngọc Sơn (theo Boston Globe)