Julian Assange sẽ nói với báo chí quốc tế hôm nay, trong sự vây ráp của cảnh sát London bên ngoài sứ quán Ecuador. Ảnh: AFP |
Nhiều ngày nay lực lượng cảnh sát London đã được phân công chốt chặn bên ngoài sứ quán, sẵn sàng bắt giữ Assange, chủ bút Wikileaks nếu ông bước chân khỏi cổng sứ quán.
13 giờ GMT hôm nay ông sẽ lần đầu tiên lên tiếng sau nhiều tháng im lặng. Trước vòng vây nói trên, nhiều khả năng Asange sẽ phát biểu từ ban công hoặc cửa sổ của tòa sứ quán.
Assange đã náu mình trong sứ quán Ecuador hai tháng qua, sau khi các kháng cáo của ông nhằm chống lệnh dẫn độ từ Anh về Thụy Điên - nơi ông bị cáo buộc tấn công tình dục hai phụ nữ - thất bại.
Wikileaks đã giữ kín về công tác hậu cần chuẩn bị cho sự xuất hiện của Assange. Phát ngôn viên Kristinn Hrafnsson cho biết ông không thể trao đổi thông tin về vấn đề này vì "lý do an ninh". Tuy nhiên, cảnh sát Anh tuyên bố sẽ có những "hành động thích hợp" nếu ông ra khỏi tòa nhà.
Assange, 41 tuổi, xin tị nạn ở sứ quán Ecuador hôm 19/6 để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển. Đề nghị của ông được chấp thuận hôm 16/8. Những người ủng hộ hacker người Australia tin rằng một khi bị đưa sang Thụy Điển, ông có thể bị dẫn độ tiếp sang Mỹ.
Năm 2010, Wikilieaks công bố hàng nghìn tài liệu quân sự mật của Mỹ về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cùng nhiều bí mật ngoại giao, khiến hình ảnh của Mỹ bị tổn hại. Do đó, có những nghi ngờ cho rằng ông sẽ bị dẫn độ sang Mỹ và truy tố tội danh gián điệp.
Mẹ của Assange tự tin cho rằng con trai bà sẽ được Ecuador bảo vệ, bất chấp căng thẳng ngoại giao giữa nước này với chủ nhà Anh và đồng minh Mỹ.
"Con trai tôi có hàng tỷ người ủng hộ trên khắp thế giới, Mỹ và các đồng minh chỉ đơn độc một phe, còn những người ủng hộ vẫn tăng lên mỗi ngày", bà nói.
Bất chấp việc Ecuador cho Assange tị nạn, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Anh không có sự lựa chọn nào ngoài việc tìm cách dẫn độ ông. Theo thông lệ ngoại giao, các sứ quán được xem là lãnh thổ của các nước mà chúng đại diện và nước chủ nhà phải xin phép mới được thâm nhập.
Anh đã khiến Ecuador giận dữ khi tuyên bố có thể rút quyền miễn trừ ngoại giao của một sứ quán trên đất Anh và xông vào bắt Assange. Gần chục nhân viên cảnh sát và rất nhiều người ủng hộ Assange đã vây quanh sứ quán hôm qua.
Ecuador trong khi đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh trong khu vực khi họ cảnh báo Anh về những "hậu quả nghiêm trọng" nếu nước này vi phạm an ninh ngoại giao của sứ quán Ecuador.
Các nước trong khối Liên minh Boliva cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), trong đó có Bolivia, Cuba, Nicaragua cùng một số quốc gia Caribe nhỏ hơn, bày tỏ "sự ủng hộ quyền chủ quyền của Ecuador" trong việc cấpquyền tị nạn cho Assange và yêu cầu quốc tế phản đối "những nỗ lực của Anh nhằm áp đặt ý chí bằng vũ lực". ALBA cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc thảo luận về vấn đề bất khả xâm phạm đối với các cơ sở ngoại giao trên thế giới.
Anh Ngọc