Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Ảnh: Ifeng |
Ông Kim Jong-il đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 69 vào hồi 8h30 ngày 17/12 theo giờ địa phương, AFP dẫn tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
Chủ tịch Kim qua đời trên một chuyến tàu khi đang trong chuyến thị sát bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, vì một cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng, theo hãng thông tấn Triều Tiên.
Phát thanh viên Triều Tiên nghẹn ngào báo tin cái chết của Chủ tịch Kim |
"Đây là tổn thất to lớn nhất của Đảng và của nhân dân ta, là đau thương lớn nhất của đất nước ta", một phát thanh viên truyền hình Triều Tiên trong bộ y phục truyền thống màu đen thông báo trong nước mắt. Cô này nói thêm rằng đất nước Triều Tiên cần phải "biến đau thương thành sức mạnh vượt qua khó khăn".
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin quân đội nước này được đặt trong tình trạng báo động ngay sau khi có tin Chủ tịch Kim từ trần. Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm ngay sau khi có tin ông Kim từ trần do lo ngại nguy cơ bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc sáng nay giảm tới 3,9%. Tuy nhiên giá cổ phiếu các công ty thiết bị quốc phòng lên cao, có hãng lên tới 15%.
Ông Kim được cho là trải qua một cú đột quỵ hồi năm 2008. Tuy nhiên, chủ tịch Triều Tiên tỏ ra khỏe mạnh trong các chuyến thăm Trung Quốc và Nga, cũng như hàng loạt chuyến "vi hành" khắp đất nước trong năm nay. Ông Kim được cho là bị bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Cuộc đời, sự nghiệp
Ông Kim Jong-il lên nắm quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên năm 1994, sau khi người cha của ông là Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) qua đời. Tháng 9/2010, con trai của Chủ tịch Kim là Kim Jong-un ra mắt sáng chói trên chính trường Triều Tiên, được phong hàm tướng bốn sao và giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng Lao động và quân đội.
Ông Kim Jong-il thường được nhắc đến ở Triều Tiên với danh xưng "nhà lãnh đạo kính mến". Chủ tịch Kim được cho là yêu thích xem phim, kể cả phim Hollywood, và có bộ sưu tập hàng chục nghìn bộ phim. Mỗi khi công du, ông thường dùng tàu hỏa. Ông đến các nước Nga và Trung Quốc đều bằng tàu hỏa. Bộ trang phục thường thấy của ông trên các bức hình là quân phục màu xanh. Ông cũng thường đeo kính mát lớn.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il và con trai út Kim Jong-un, người được cho là sẽ lên lãnh đạo Triều Tiên trong tương lai. Ảnh: AP. |
Ông Kim lãnh đạo Triều Tiên trong 17 năm, trải qua nhiều thăng trầm trong các mối quan hệ liên Triều và với các quốc gia phương Tây.
Năm 2000, trong một sự kiện được toàn thế giới chú ý, Chủ tịch Kim và tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Kim Tê Chung có cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Kim Tê Chung theo đuổi chính sách "ánh dương" với chủ trương hòa giải dân tộc tiến tới thống nhất bán đảo Triều Tiên. Thượng đỉnh liên Triều lần hai diễn ra năm 2007 với sự tham gia giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Il và Roh Moo-hyun của Hàn Quốc.
Tuy nhiên bầu không khí hòa giải ngưng lại năm 2008, khi tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nắm quyền với tuyên bố chính sách cứng rắn hơn đối với nước láng giềng phía bắc.
Quan hệ liên Triều xấu đi nghiêm trọng năm ngoái, sau các vụ chìm tàu quân sự của Hàn Quốc và việc Triều Tiên nã pháo lên đảo tiền tiêu của miền nam.
Giới quan sát chính trị từ lâu đã theo dõi sức khỏe của ông Kim Jong-il, tuy nhiên bình luận rằng sự ra đi của ông đặt ra một bối cảnh hoàn toàn mới cho những bên quan tâm đến bán đảo Triều Tiên.
Từ lâu, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ và các đồng minh. Năm 2006, Triều Tiên lần đầu thử hạt nhân, gây choáng váng dư luận thế giới. Cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng từng được hy vọng sẽ là phương cách phi hạt nhân hóa bán đảo này, nhưng qua nhiều năm vẫn đang ì ạch.
Nhật Nam