Chiếc tàu đô đốc thuộc Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ tại Địa Trung Hải USS Mount Whitney. Ảnh: AP. |
Một nguồn tin tình báo cho biết Nga sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về chiến hạm nói trên. "Chuyến tàu kia thực sự chở hàng gì đến Gruzia, mọi việc sẽ nhanh chóng sáng tỏ", nguồn tin này tiết lộ. Trong khi giới chức Mỹ hôm qua tuyên bố lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không có quyền kiểm soát chuyến hàng do cảng Poti nằm trên lãnh thổ Gruzia.
Chiếc USS Mount Whitney đi qua eo biển Bosporus thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/9, chở theo một số hàng tiếp tế bao gồm chăn, thức ăn trẻ em và một số vật dụng vệ sinh. Đây là chiến hạm đầu tiên của Hải quân Mỹ cập cảng Poti kể từ sau cuộc chiến giữa Nga và Gruzia. Hiện vẫn còn hàng trăm binh sĩ Nga có mặt tại cảng này.
Trước đó, hai tàu chiến Mỹ chở hàng cứu trợ đều cập cảng Batumi, nơi không có quân Nga. Khu trục hạm trang bị tên lửa USS McFaul tới Gruzia hôm 24/8. Sau đó tới ngày 27/8 đến lượt tàu US Coast Guard Cutter Dallas. Ban đầu, tàu US Coast Guard Cutter Dallas có kế hoạch tiến vào cảng Poti, nhưng tới phút chót Mỹ thay đổi lịch trình và cho tàu cập cảng Batumi.
Nga tỏ ý nghi ngờ hàng cứu trợ chỉ là vỏ bọc để các tàu Mỹ chở vũ khí cho Gruzia. Trong khi đó, tàu USS Mount Whitney thuộc Hạm đội 6 của Mỹ tại Địa Trung Hải vừa đến Poti hôm qua có đủ khả năng để chở các loại vũ khí hạng nặng.
Mỹ bắt đầu chuyển hàng cứu trợ bằng cả đường hàng không và hàng hải đến Gruzia sau khi chiến sự giữa Nga và Gruzia xung quanh khu vực ly khai Nam Ossetia kết thúc. Nhà Trắng hôm 4/9 đã công bố gói viện trợ 1 tỷ USD để Gruzia tái thiết cuộc sống sau chiến sự.
Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga tại trạm kiểm soát cạnh cảng Poti. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Nga Vladimir Putin từng cảnh báo Matxcơva có thể sẽ đáp trả sự hiện diện ngày càng nhiều tàu chiến của NATO ở Biển Đen. Đô đốc Nga Eduard Baltin tuyên bố, Hạm đội Biển Đen của họ đủ khả năng diệt tàu của NATO trong vòng 20 phút. Theo Matxcơva, tại Biển Đen hiện có khoảng 10 tàu chiến của các nước NATO và 8 tàu khác có kế hoạch sẽ đến đây trong thời gian tới.
Tuy nhiên hôm 5/9, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này không có kế hoạch sử dụng các hành động quân sự để đáp lại sự có mặt ngày càng nhiều các tàu chiến Mỹ tại khu vực Biển Đen. NATO cũng lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Nga rằng họ đang tăng cường sự hiện diện trên Biển Đen, đồng thời khẳng định các tàu triển khai tại đây không liên quan đến khủng hoảng Gruzia.
Đầu tháng 8, Gruzia bất ngờ mở các cuộc tấn công dồn dập vào Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát trong khi phần lớn dân sống ở đây đều có quốc tịch Nga. Matxcơva nhanh chóng đưa quân đến nhằm "buộc Gruzia chấp nhận hòa bình". Cuộc giao tranh giữa hai bên kết thúc vào ngày 12/8.
Cảng Poti nằm gần vùng đất ly khai Abkhazia. Đồ họa: BBC. |
Ngọc Quỳnh (theo Ria Novosti, AP)