Bao quanh bởi ngọn núi Abukuma cao chót vót, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi 30 km, ngôi làng nhỏ trên đất nước Nhật Bản này từng có đầy đủ những ngôi nhà, văn phòng, hai trạm xăng và ba cửa hàng tạp hóa.
Nhưng sau ngày 11/3/2011, nhà cửa, văn phòng, các trạm xăng và cửa hàng tạp hóa đã biến mất. Giờ đây, trong khung cảnh vắng lặng, tuyết đầy trên đường dành cho xe ô tô và vỉa hè cho người đi bộ. Cỏ dại mọc um tùm trên các cánh đồng. Các trang trại chăn nuôi gia súc trống không, bò chết sạch.
Đây là vùng đất chết - vùng đất nhiễm xạ hạt nhân.
Nóc lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Nhật Fukushima Daiichi chụp đầu tuần trước. Lò bị hư hại trong một vụ nổ sau sóng thần. Ảnh: AFP |
Trận động đất mạnh 9,0 độ Richte và cơn sóng thần ngay sau đó không chỉ cướp đi sinh mạng của 18,000 người mà còn kéo theo thảm họa thứ ba. Đó là ba lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima tan chảy và nổ ở một lò hạt nhân. Đây là vụ nổ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới kể từ sau thảm họa tại nhà máy Chernobyl xảy ra vào một phần tư thế kỷ trước. Khi khủng hoảng hạt nhân xảy ra, hàng nghìn người đã bỏ chạy. Có hơn 70.000 người đã được sơ tán.
Một năm sau thảm họa, nhà máy vẫn rò rỉ phóng xạ ra biển. Hệ thống làm mát tạm thời vẫn có nguy bị động đất phá hủy và việc khắc phục phải mất nhiều năm nữa.
Khu vực phóng xạ rộng lớn hơn cả vùng ảnh hưởng của vụ nổ bom nguyên tử ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Một số nhà khoa học nói rằng không thể làm sạch hoàn toàn khu vực này và có lẽ sự sống sẽ không bao giờ có thể bắt đầu lại ở đây.
Có ít nhất hơn chục thị trấn và các khu làng bị ảnh hưởng hạt nhân quanh lò phản ứng. Ở một số thị trấn, lệnh sơ tán là bắt buộc, còn ở một vài nơi khác, người dân tự bỏ đi khi thấy mức phóng xạ tăng cao.
Nhưng vẫn có một số người tiếp tục bám trụ ở lại vùng đất chết này.
Họ chính là những người làm việc ở các trại dưỡng lão, khách sạn và ngân hàng. Cũng có một số người là nông dân giờ không thể trồng cấy gì trên đất đai của họ. Những người khác đã về hưu và những người còn lại chủ yếu là nam giới, họ làm việc tại lò phản ứng.
Có những người, chẳng hạn như gia đình Kenji Miyamoto, sống cách nhà máy hạt nhân chỉ vài ki lô mét. Họ chưa bao giờ rời nơi này. Ngay cả khi vụ nổ xảy ra ở lò phản ứng thứ nhất, rồi đến vụ cháy ở một lò khác. Ngay cả khi những người sống xung quanh đã bỏ đi hết, bỏ lại tất cả đồ ăn trong tủ lạnh, bỏ lại ngôi nhà với cánh cửa không khóa.
“Tôi cũng sợ mắc bệnh, nhưng lại cảm thấy thoải mái hơn khi được ở lại ngôi nhà của mình,” Miyamoto nói. Có một số người khác như ông ở lại khu vực cấm này, cự tuyệt yêu cầu di tản của chính quyền.
Cuộc sống hàng ngày của họ giống như những câu chuyện khoa học viễn tưởng. Hầu như họ luôn phải đeo mặt nạ chống độc. Rất nhiều cuộc trò chuyện của họ xoay quanh tình trạng của các lò phản ứng hoặc là các chỉ số đọc được từ Geiger. Họ nghe các bản tin cập nhật về các chỉ số phóng xạ hàng ngày ở khu dân cư của mình. Nhưng họ vẫn không rời đi.
0,11 microsievert mỗi giờ.
Đó là chỉ số đọc được từ máy đo Geiger màu đen của Masami Sanpei vào một buổi sáng thứ hai nắng đẹp ở Iitate. Sanpei luôn mang theo thiết bị đo này bên mình. Nếu chỉ số thông báo là quá cao, ông đeo mặt nạ ngay.
Microsievert định lượng mức phóng xạ mà các mô của cơ thể người hấp thụ. Mức bức xạ trung bình trong môi trường tự nhiên của Nhật là 0,11 microsievert một giờ hoặc là 1 millisievert một năm. Trong khi đó Tổ chức ý tế Thế giới (WHO) nói rằng mức bức xạ trung bình mà con người trên toàn thế giới tiếp xúc là khoảng 2,4 millisevert một năm.
Nhưng mức bức xạ này ở Iitate lên xuống không ổn định, nhiều lần chỉ số vượt mức cho phép cao nhất. Một buổi tối tháng hai, máy đo Geiger của Sanpei tít tít liên hồi ở một bãi đỗ xe của nhà dưỡng lão: chỉ số báo là 5,8 microsievert/giờ.
Iitate cách Fukushima Dai-ichi 35 kilomét về phía tây bắc. Vào ngày xảy ra vụ nổ ở lò hạt nhân, ngôi làng xinh đẹp đã từng được in trong các tấm bưu thiếp này đã hứng trọn trận gió mang theo các hạt phóng xạ, gồm cả plutonium, cao hơn dự đoán ban đầu của bất cứ cơ quan nào.
Nhưng có một điều không ai ngờ rằng những hạt phóng xạ này tồn tại đến tận đầu tháng tư, tức là gần bốn tuần sau vụ nổ hạt nhân. Một người tại một văn phòng trong làng tò mò mua một thiết bị đo Geiger. Khi anh ta nhìn thấy các chỉ số từ thiết bị này đã lập tức báo động cho tất cả.
Ở Iitate, một vài điểm cho thấy mức bức xạ còn cao hơn cả mức đo được tại những khu liên hợp chính của lò phản ứng hạt nhân. Mặc dù các điểm này đã được tẩy sạch nhưng người làng lo sợ, vẫn còn những điểm khác nhiễm phóng xạ mà họ không biết.
Chính phủ phải mất vài tuần để bắt đầu công việc sơ tán người dân và mất ít nhất một tháng để tuyên bố rằng làng này không có người ở.
Anh Watanabe, 39 tuổi, sống một mình ở ngôi làng nhiễm xạ. Vợ và con gái anh được đi sơ tán xa khỏi vùng đất chết. "Tôi không muốn chết", anh nói. Ảnh: Toronton Star. |
Sanpei là một trong số những người vẫn vào làng làm việc.
Ông sinh ra và lớn lên tại Iitate. Đến tháng ba năm ngoái số nhân khẩu trong làng là 6,000 người. Cả đời ông đã sống ở đây và đã quản lý một nhà dưỡng lão ở đây 11 năm. Ông nói rằng, ông không thể bỏ các bệnh nhân được. Có đến 99% các bệnh nhân không muốn bỏ nơi này đi, Sanpei cho biết. “Họ rất kiên quyết… Tôi không trách họ. Tuổi trung bình của các bệnh nhân là 85 và họ không muốn chuyến đến một nơi mới.”
Sanpei gửi vợ, Katsuko, đến một trung tâm sơ tán ở thành phố Fukushima, cách Iitate một giờ lái xe. Ngôi nhà kiểu truyền thống của Nhật gồm ba phòng ngủ của họ trống không. Hai đứa con của họ đã chuyển đi một thành phố khác vài năm trước và thỉnh thoảng về thăm bố mẹ. Hàng xóm của họ cũng đã đi hết. Ông không biết rằng liệu ông sẽ được gặp lại họ nữa không.
Từ thành phố Fukushima, hàng ngày Sanpei lái xe vào Iitate. Tuy nhiên, những hôm làm việc muộn ông thường nghỉ đêm lại Iitate. Ban đêm ông nghe thấy tiếng chó sủa. Chúng đã bị bỏ lại khi chủ của chúng đi sơ tán. Ông mơ thấy tiếng kêu giận dữ của những con bò. Ông nói, có đến hàng trăm con bò trong làng bị giết vì nỗi lo nhiễm xạ.
“Mọi thứ đã thay đổi,” ông nói. “Sẽ không bao giờ có thể trở lại như những gì đã từng có trước ngày 11 tháng ba.”
Tại nhà dưỡng lão có bà cụ 92 tuổi, được cô cháu gái từ Tokyo đến thăm vào ngày sinh nhật bà. Cả năm ngoái, cô đến thăm ba lần. Miki Kawamura, 34 tuổi, mang quà cho bà gồm một túi đựng đầy các gói mỳ ăn liền, hoa quả tươi và hai quyển sách.
Kawamura cố gắng thuyết phục bà chuyển đến sống cùng cô ở một căn hộ ở Tokyo. “Bà tôi từ chối. Bà sắp chết rồi… Một chút phóng xạ đâu có làm bà phiền lòng.”
Cô ở đó với bà chừng nửa giờ, cùng chuyện trò và ăn trưa với bà. Đồ ăn trưa là những thứ cô mua từ Tokyo bởi vì cô không tin vào những đồ ăn trong vùng. Sau đó cô trở về Tokyo. Đó là một chặng đường dài lái xe, mất chừng bốn tiếng, nhưng không gì có thể khiến cô nghỉ đêm lại Iitate.
“Tôi sợ hãi. Tôi không biết mức ô nhiễm ở quanh đây là bao nhiêu,” cô nói trong khi đeo mặt nạ và bước ra khỏi nhà dưỡng lão.
Theo tin tức từ các báo của Nhật, Bộ môi trường thừa nhận rằng ít nhất trong vòng 2.400 ki lô mét vuông quanh nhà máy hạt nhân cần được tẩy xạ. Nhật Bản cũng sẽ phải loại bỏ lượng đất nhiễm xạ đủ để lấp đầy 23 sân vận động bóng chày.
Jin Wantanbe vẫn ở lại vùng ô nhiễm. Anh làm việc ở lò phản ứng.
“Không, tôi đâu có muốn chết,” anh nói với giọng chua chát.
Wantanbe, 39 tuổi, lớn lên ở làng Kawauchi ở vùng núi nơi anh có thể nhìn thấy sáu lò phản ứng sừng sững của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.
Chúng luôn đứng đó, anh nói: “Như những ngọn núi, như những cột mốc”. Sáu tòa tháp hùng vĩ bao quanh bởi các tòa nhà nhỏ hơn. Khói bốc ra từ những ống khói cao ngút.
Wantanabe, người sở hữu một công ty xây dựng gồm 30 nhân viên, đã từng kinh qua nhiều loại công việc ở lò phản ứng trong nhiều năm. Anh đã xây dựng các phần nhỏ bên ngoài các tòa nhà, sửa chữa các đường ống thoát nước. Đôi khi, trong hàng tháng trời, anh chỉ làm việc tại đây mà không có thêm khách hàng nào khác.
Lò phản ứng là nơi đã nuôi anh, mang đến cho anh và gia đình anh một cuộc sống đầy đủ. Rồi sau đó nó lấy đi của anh tất cả.
Làng Kawaiuchi cũng ở vùng núi, cách lò hạt nhân bị thiệt hại khoảng 28 ki lô mét. Khi trận động đất tấn công, Wantanabe đang làm các thủ tục giấy tờ ở nhà. Khi điện bị cắt, anh nhanh chóng đưa cả nhà ra ngoài. Họ ở ngoài chừng một tiếng. Ngay sau đó anh nghe tin về một trận sóng thần có thể dâng cao đến 40 mét.
Anh cầu khấn, hy vọng vào những điều tốt nhất.
Nhưng anh không hề có ý nghĩ đến lò phản ứng. “Mỗi khi có tin tức về động đất sẽ xảy ra, mọi người ở đó nói rằng Fukushima Daiichi không thể bị rung chuyển. Đó là nơi không thể sụp đổ.”
Ngày hôm sau anh nghe được những rắc rối xảy ra ở lò phản ứng.
Vào ngày 13 tháng Ba, hai ngày sau trận động đất, anh cùng vợ, cô con gái 10 tuổi, bố mẹ anh và một người bác trong chiếc xe Range Rover chạy đến Nagano. Thành phố này cách nhà anh 500 ki lô mét. Ở đây, gia đình anh sở hữu một ngôi nhà.
Watanabe trở về Kawauchi trong ngày nhưng anh không cho gia đình mình về cùng.
“Hãy xem chỉ số đây này,” anh vừa nói vừa chỉ vào thiết bị đo Geiger màu đen. Chỉ số hiện lên là 0,18 microsievert/giờ. “Tôi không biết chỉ số này nghĩa là gì. Tuy nhiên tôi biết nó không tốt. Tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ để gia đình mình quay về. Tôi không thể.”
Nhưng anh vẫn ở lại đây. Anh nói có một chục đàn ông vẫn ở lại làng Kawauchi. Hầu hết các ngôi nhà không có người ở. Một số ngôi nhà đã không còn nữa.
Watanabe và các nhân viên làm việc sáu ngày một tuần để dọn dẹp đống đổ vỡ ở lò phản ứng. Anh nói trận sóng thần gây ra quá nhiều thiệt hại mà họ phải mất vài năm mới dọn dẹp hết được. Mọi thứ bị gẫy, vỡ vụn và nằm rải rác khắp nơi.
Khu vực quanh nhà máy Fukushima có thể sẽ là vùng cấm trong nhiều thập kỷ. Lò phản ứng sẽ được bọc trong một khu an toàn bằng bê tông và thép. Và khi đó đất nông nghiệp bị ô nhiễm sẽ không được phép trồng cấy, hay các ngôi nhà cũng sẽ không được phép xây dựng.
Tuy nhiên tất cả điều đó chỉ xảy ra sau khi lò phản ứng được dọn dẹp. Mà chỉ riêng việc dọn dẹp, theo cảnh báo của các chuyên gia, cũng phải mất mười năm hoặc thậm chí nhiều hơn nữa.
Watanabe làm việc nhiều giờ liền và anh lo lắng về việc bị ảnh hưởng của nhiễm xạ. Đây cũng là chuyện khiến anh đau đầu suy nghĩ trong nhiều tháng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh cãi với vợ và con gái anh. Họ muốn anh chuyển đến Nagano nhưng anh từ chối.
Đôi khi hai vợ chồng anh không nói nói chuyện với nhau vài ngày.
“Tôi không thể bỏ rơi các nhân viên của mình… Họ cần làm việc và kiếm tiền. Tôi cũng thế,” anh nói một cách đầy trách nhiệm. “Vào lúc mọi thứ ở Fukushima Daiichi tốt đẹp, nó đã mang đến cho chúng tôi tất cả những gì chúng tôi muốn… nhà cửa, xe hơi, một cuộc sống đầy đủ. Giờ đây chúng tôi không thể bỏ đi. Bây giờ ai đó phải dọn dẹp chứ.”
Cao Thu (theo Toronto Star)