Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp của nội các Thái Lan tại thành phố miền bắc Chiang Mai. Ông Somchai phải đáp máy bay tới đây do người biểu tình tràn vào phong tỏa cả hai sân bay ở Bangkok là Suvarnabhumi và Don Muang, khiến ông không thể trở về thủ đô sau khi dự hội nghị cấp cao APEC ở Peru.
Chính phủ Thái đã cho ban bố tình trạng khẩn cấp tại hai sân bay Bangkok, theo đó nghiêm cấm tụ tập quá 5 người, thực thi lệnh bắt tức thì với những người chống đối và có thể áp dụng cả biện pháp phong tỏa thông tin tại đây. Thủ tướng Somchai cho rằng, việc người biểu tình phong tỏa hai phi trường đã gây ra "những thiệt hại ghê gớm".
"Thật là sai trái khi những người biểu tình bắt toàn bộ đất nước Thái Lan làm con tin. Chính phủ không có ý định làm tổn thương bất cứ ai và tình trạng khẩn cấp chỉ mang tính chất tạm thời", ông Somchai nói thêm sau cuộc họp nội các chiều nay ở Chiang Mai.
Cảnh sát chống bạo động trên đường phố tại Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Việc hai sân bay bị tê liệt đã khiến thủ đô Thái Lan, vốn là một trạm trung chuyển quan trọng trong khu vực, hoàn toàn không còn hoạt động hàng không dân sự. Trong khi đó, Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ tuyên bố sẽ tiếp tục biểu dương sức mạnh. Thủ lĩnh PAD Suriyasai Katasila khẳng định: "Chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ sử dụng các lá chắn người để chống lại cảnh sát nếu họ cố giải tán chúng tôi".
Giữa bối cảnh hàng nghìn du khách nước ngoài đang bị kẹt lại Bangkok lại có tin đồn sắp xảy ra cuộc đảo chính quân sự sau khi lực lượng vũ trang nước này điều xe tăng tới các vị trí trong thành phố. Điều này khiến bầu không khí tại đây ngày càng thêm căng thẳng. Tuy nhiên, tư lệnh quân đội nước này Anupong Paochinda phủ nhận sắp có binh biến.
Hôm qua, tướng Anupong kêu gọi chính phủ giải tán và tiến hành bầu cử sớm. Nhưng Thủ tướng Somchai khẳng định chính phủ của ông là hợp pháp, do đó ông sẽ tiếp tục làm việc vì đất nước. Tuy vậy, chính phủ đương nhiệm tỏ ra miễn cưỡng trong việc đối đầu với những người biểu tình thuộc PAD, lực lượng không chỉ kêu gọi lật đổ nội các hiện tại mà còn đòi thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị Thái Lan.
PAD là một liên minh lỏng lẻo gồm những người thuộc phái bảo hoàng, các doanh nhân và tầng lớp trung lưu ở thành thị. Họ cho rằng chính phủ hiện nay tham nhũng lan tràn và thù địch với nền quân chủ, đồng thời cáo buộc nội các của ông Somchai là tay sai của cựu thủ tướng lưu vong Thaksin, người vẫn được lòng người dân ở các vùng nông thôn.
Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.
Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe PAD đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và tràn vào chiếm đóng trụ sở làm việc của nội các. Trong bối cảnh sức ép này, cựu thủ tướng Samak Sundaravej phải từ chức dù với một lý do không liên quan là cáo buộc ông vi phạm hiến pháp khi tham gia dạy nấu ăn trên truyền hình để nhận thù lao.
Sau khi ông Somchai Wongsawat lên thay thế, làn sóng biểu tình chống chính phủ vẫn không hạ nhiệt. Phe biểu tình PAD vẫn không chịu rút khỏi khu trụ sở của chính phủ Thái Lan và tiếp tục hạ trại tại đây. Họ cáo buộc ông Somchai tham nhũng và là con rối của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11 vừa qua, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tượng tự. Tình trạng này khiến nội các của ông Somchai phải rời Bangkok về Chiang Mai hoạt động.
Đình Chính (theo BBC, Reuters)