Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký ASEAN, phụ trách Cộng đồng Chính trị - An ninh, hôm nay nhấn mạnh đến chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cho rằng đối đầu giữa hai cường quốc này không chỉ tạo nguy cơ chia rẽ chính trị trong ASEAN, mà còn tác động đến từng quốc gia thành viên vì Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác lớn của Hiệp hội. Ông Tuấn nói trong Tọa đàm ASEAN chặng đường sau 50 năm và Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức hôm nay tại Hà Nội.
Ông cảnh báo chiến tranh thương mại sẽ còn tiếp diễn, nguy cơ xung đột trong khu vực đã giảm nhưng vẫn có thể trở lại trong tương lai. "Trong bối cảnh đó, ASEAN phải thể hiện được vai trò trung tâm của mình", ông nói.
Phó tổng thư ký ASEAN cho rằng Hiệp hội có thể đóng vai trò trung gian xử lý khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc, cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc đã có ba cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) giữa tháng 10 vừa qua tại Singapore, sau khi ông Mattis huỷ chuyến thăm Trung Quốc do căng thẳng leo thang.
Đề cao thảo luận giữa hai cường quốc để giảm căng thẳng, ông Tuấn nhắc lại sự cố tàu Trung Quốc áp sát tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hôm 30/9 ở Trường Sa.
"Nhiều người nêu rõ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam sắp đảm nhận, Việt Nam có thể làm gì để duy trì các kết quả trung gian của ASEAN", Phó tổng thư ký Tuấn đặt vấn đề. Ông gợi ý Việt Nam cần có kế hoạch về hợp tác quốc phòng của ASEAN.
Lưu ý đến tình hình Biển Đông, ông Tuấn khẳng định đây là vấn đề quan trọng, ASEAN cần có tiếng nói. Các nước liên quan cần tiếp tục thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Nếu không có Hiệp hội, từng quốc gia sẽ bị cô lập trong vấn đề này", ông Tuấn cảnh báo.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, từng là trưởng SOM ASEAN của Việt Nam trước đây, đánh giá ASEAN đang được các nước lớn coi trọng, nhưng các nước lớn lại đang cạnh tranh ở khu vực, đặt Hiệp hội vào thế phải ứng xử ra sao.
"Có người nói ASEAN phải đưa ra lựa chọn đứng về bên nào, nhưng tôi không nghĩ vậy. Chọn lựa tốt nhất của Hiệp hội là lợi ích của mình, đó vừa là thách thức vừa là cơ hội", ông Khoan nhấn mạnh, nói thêm nếu ASEAN đưa ra lựa chọn theo ai thì sẽ có nguy cơ tan rã.
Đồng tình rằng ASEAN không nên chọn đứng về Trung Quốc hay Mỹ, Tiến sĩ Andrew Elek, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Hiệp hội có thể gửi thông điệp tới hai đối tác lớn rằng điều các nước cần làm là quay trở lại nguyên tắc dựa trên luật lệ. Australia đang nỗ lực hợp tác với ASEAN nhằm thúc đẩy điều đó.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cho hay môi trường quốc tế và khu vực xung quanh ASEAN đang biến chuyển rất nhanh chóng và khó đoán định. Chặng đường 50 năm tiếp theo của ASEAN không phải hoàn toàn bằng phẳng. Do đó các nước đứng trước thách thức là gắn kết nội khối của ASEAN và các mẫu số lợi ích chung liệu có đủ mạnh để ASEAN giữ vững năng lực tự cường trước các tác động sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và những nhiễu động chính trị và kinh tế từ bên ngoài hay không.
Chính sách của Việt Nam
Ông Vũ Khoan cho biết ông vẫn giữ nguyên cảm giác khi lá cờ của Việt Nam được kéo lên trên nền trời xanh ngắt của Brunei, trong lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN năm 1995. Khi đó ông đã nhủ thầm "Thế là thời đại Việt Nam bị cô lập, bị thù địch đã chấm dứt".
Sau 50 năm, ASEAN đã có những thay đổi cơ bản, đó là các nước từ chỗ nghi ngại, thậm chí đánh nhau chuyển sang một khu vực hoà bình, hữu nghị; ASEAN không còn là các nước thuộc địa, bây giờ được các nước lớn coi trọng; ASEAN hiện là một khối thịnh vượng mà tất cả các đối tác lớn đều đến hợp tác, không còn là các nước lạc hậu, chỉ cung cấp nguyên liệu và nhân lực.
"Những giá trị này của ASEAN vẫn còn, dù các nước lớn đang tranh hùng nhưng đều thống nhất coi ASEAN là đối tác quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh", ông Khoan nói.
Nguyên phó thủ tướng nhấn mạnh ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, không phải Mỹ hay Trung Quốc. Ông lấy một câu chuyện vui đời thường để so sánh tầm quan trọng của ASEAN với Việt Nam, ví Hiệp hội giống như một "bà vợ già". Nếu biết trân trọng thì "về già họ vẫn chăm sóc mình, còn cô nhân tình trẻ đẹp thì chưa chắc".
Theo ông Vũ Khoan, so với Liên minh châu Âu, ASEAN vẫn giữ được đoàn kết hơn. Thực tế cho thấy khi các nước cùng có lợi ích thì quy tụ lại, khi có lợi ích khác nhau mà ứng xử không thích hợp sẽ tạo ra tình thế ly tâm, ông cảnh báo.
Tiến sĩ Andrew Elek thừa nhận ông có lo ngại về việc ASEAN duy trì sự đoàn kết khi có khác biệt về một số vấn đề, trong đó tranh chấp Biển Đông là vấn đề quan trọng nhất. Ông hy vọng ASEAN không để sự khác biệt gây ảnh hưởng đến hợp tác tổng thể của Hiệp hội.
Khánh Lynh