Ủy ban đặc biệt do Chủ tịch Viện Phát triển vì Phụ nữ Kwon In-sook đứng đầu sẽ làm việc trong một tuần để xem xét 50 trường hợp liên quan đến cơ quan công tố và 80 trường hợp tại các tổ chức thuộc giám sát của bộ như trung tâm giam giữ, nhà tù và cơ quan di trú, Korea Times ngày 7/5 đưa tin .
Ủy ban có nhiệm vụ xác định quy trình điều tra các vụ tố cáo có minh bạch, hình thức xử lý có xác đáng hay không. Bên cạnh đó, ủy ban cũng bảo vệ hợp pháp danh tính nạn nhân để ngăn chặn sự xâm phạm cá nhân, các mối đe dọa và trả thù, chẳng hạn bị đuổi việc. Bất cứ nỗ lực nào của thanh tra nhằm che đậy vụ án hoặc giúp nghi phạm phủ nhận hành vi sai trái đều sẽ bị ủy ban đưa ra ánh sáng.
Động thái diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Seo Ji-hyun, nữ công tố viên tố cáo bị quấy rối tình dục và khơi mào phong trào #MeToo ở Hàn Quốc, bày tỏ thất vọng về cuộc điều tra "đáng nguyền rủa" đối với người bị cáo buộc, cựu công tố viên cao cấp Ahn Tae-geun.
Tại cuộc họp báo được tổ chức ở quốc hội hôm 1/5, Seo và các luật sư bào chữa chỉ trích kết quả cuộc điều tra kéo dài ba tháng của các công tố viên, nói rằng toàn bộ quá trình thiếu công bằng, năng lực và quyết tâm tìm ra sự thật.
"Chúng tôi nghi ngờ độ tin cậy của toàn bộ quá trình điều tra bởi đó là một thất bại có chủ ý", luật sư bào chữa của Seo nói.
Cuối tháng 1/2018, Seo Ji-hyun chia sẻ trên truyền hình về việc bị một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp cưỡng hiếp tại đám tang vào năm 2010. Seo báo lại sự việc với cấp trên nhưng cuối cùng, chính vị cấp trên này đã giáng chức Seo để bưng bít mọi chuyện dù cô là một nhân viên có năng lực.
Tố cáo của Seo khơi mào phong trào #MeToo (chống quấy rối tình dục) ở Hàn Quốc. Chỉ trong vòng một tháng, làn sóng #MeToo lan rộng, mỗi ngày đều có những tố cáo mới từ nhiều lĩnh vực và nhiều tên tuổi lớn của Hàn Quốc bị chỉ tên.
Huyền Lê