![]() |
Một người đàn ông mang súng tham gia biểu tình chống Mỹ ở miền nam Lebanon hôm nay. Ảnh: AFP |
Theo AFP, ít nhất một người biểu tình đã thiệt mạng và 25 người bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở miền bắc của Lebanon. Một đám đông khoảng 300 người theo đạo Hồi giận dữ đốt một nhà hàng đồ ăn nhanh KFC, khiến cảnh sát buộc phải ra tay. Đụng độ xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát dẫn tới thiệt hại nhân mang kể trên.
Sự việc ở Lebanon xảy ra khi Giáo hoàng Benedict XVI tới nước này trong chuyến thăm ba ngày, nhằm kêu gọi sự cùng chung số giữa người theo Thiên chúa giáo và Hồi giáo
Tại Tunisia, cảnh sát đã buộc phải bắn những phát súng cảnh cáo và sử dụng hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở ngoại ô thủ đô Tunis. Những tiếng súng nổ liên tiếp tại những con phố quanh sứ quán. Hiện chưa rõ loại vũ khí được sử dụng để trấn áp những cái đầu nóng, nhưng cảnh sát Tunisia thường sử dụng đạn cao su khi những cuộc biểu tình bị bạo lực hóa.
Một cột khói đen đã được nhìn thấy bốc lên từ sứ quán Mỹ ở Tunis nhưng chưa rõ điều gì xảy ra tại đây.
Ở Sudan, một người biểu tình đã thiệt mạng gần đại sứ quán Mỹ khi anh này bị một xe cảnh sát đâm phải. Chiếc xe này lúc đó đang phải đối phó với một đám đông người biểu tình ném đá.
Trước đó, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán hàng nghìn người biểu tình giận dữ khi họ tìm cách tiếp cận các đại sứ quán Anh và Đức ở Sudan. Toàn bộ nhân viên sứ quán Đức đều an toàn dù bị cả nghìn người bao vây. Sau khi bị đẩy lùi khỏi các đại sứ an Anh và Đức, hơn 10.000 cái đầu nóng chuyển hướng sang đại sứ quán Mỹ.
Các cuộc biểu tình chống Mỹ còn diễn ra đồng loạt tại Pakistan, Iran, Iraq, trong khi làn sóng chống Mỹ tại các quốc gia thuộc thế giới Arab hoặc có đạo Hồi chiếm đa số như Yemen, Ai Cập, Jordan hay Libya đang lên cao. Tại Ai Cập, đụng độ tiếp tục xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát. Ở Ấn Độ, 86 người đã bị bắt sau khi một đám đông ném đá và phá cửa sổ lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Chennai.
Các đại sứ quán Mỹ trở thành mục tiêu tấn công và vây hãm của những người biểu tình ở nhiều nước sau khi một bộ phim chống Hồi giáo được tung lên mạng. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng sau khi đại sứ Mỹ tại Libya, ông Christopher Stevens, cùng ba nhân viên ngoại giao đồng hương thiệt mạng tại lãnh sự quán ở thành phố Benghazi. Ở Yemen, ít nhất 4 người biểu tình đã chết sau các cuộc đụng độ.
Trong một diễn biến khác, Nakoula Basseley Nakoula, người tự nhận đã làm ra bộ phim thổi bùng ngọn lửa chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo, hôm nay nói trên một đài phát thanh rằng ông ta không thấy hối tiếc vì những gì đã làm. Nakoula, 55 tuổi, đang sống tại California, Mỹ.
Hà Giang