Dòng chữ "Chào mừng tới Philippines, tỉnh của Trung Quốc" viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung, phía trên là cờ Trung Quốc và hai con rồng, hôm nay xuất hiện trên những cây cầu tại các tuyến phố chính ở thủ đô Manila, Philippines, theo Reuters.
Cách đây hai năm, Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan, ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử với Biển Đông, vi phạm chủ quyền Philippines khi ngăn cản ngư dân nước này đánh bắt và xây các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
"Không vui chút nào đâu", Florin Hilbay, luật sư trưởng trong vụ kiện của Philippines dưới thời chính quyền tiền nhiệm, đăng dòng bình luận trên mạng xã hội.
Một số người cáo buộc phe đối lập chính trị đứng sau việc làm trên nhằm hạ uy tín của chính quyền khi có những động thái làm nồng ấm quan hệ với Trung Quốc.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Harry Roque, gọi các biểu ngữ là "ngớ ngẩn" và cho rằng có khả năng những đối thủ chính trị chống lại chính phủ đứng sau việc này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.
Trung Quốc và Philippines từng tranh chấp chủ quyền trên biển gay gắt nhưng dưới thời Tổng thống Duterte, Manila đã có cách tiếp cận hòa giải hơn và dường như muốn tiếp nhận các khoản vay, thương mại và đầu tư từ Trung Quốc.
Duterte thường xuyên dành những lời khen ngợi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi tháng hai, ông từng gây tranh cãi khi đùa rằng Philippines giống như một tỉnh của Trung Quốc.
Đảng đối lập Akbayan ở Philippines cho rằng chính phủ đã thất bại trong việc bắt Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trong một sự kiện kỷ niệm ngày ra phán quyết, Phó tổng thống Leni Robredo kêu gọi người dân Philippines nên phản đối một cách hòa bình trước việc chính phủ không hành động.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh còn ồ ạt bồi đắp đảo nhân tạo tại các đá, xây đường băng, cảng biển và thiết lập cơ sở để tìm cách hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền.
Huyền Lê