Các cử tri ủng hộ phe Dân chủ reo hò khi xem kết quả bầu cử. Ảnh: AP. |
Trong khi hàng triệu cử tri Mỹ đang cân nhắc quyết định số phận của Obama và McCain, thế giới trải qua cảm xúc của người chứng kiến một thời khắc lịch sử có ảnh hưởng lớn vượt ra ngoài biên giới Mỹ.
"Nước Mỹ đang bầu chọn một tổng thống mới, nhưng với người dân Đức, đây là cuộc lựa chọn nhà lãnh đạo mới của thế giới", ông Alexander Rahr, giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Đức, nói.
Tại Kenya, quê cha của Obama, bầu không khí trùm trong niềm tự hào và vui sướng, khi đông đảo người dân thức trắng đêm để chờ xem kết quả bầu cử.
"Đêm nay chúng tôi không ngủ", Valentine Wambi, 23 tuổi, sinh viên đại học Nairobi, đang dự định tham gia mit tinh mừng bầu cử Mỹ ở thủ đô của Kenya, cho biết. "Chúng tôi sẽ ăn mừng suốt đêm".
Người Kenya không cho rằng cuộc sống của họ sẽ thay đổi nhanh chóng nếu Obama lên làm tổng thống Mỹ, nhưng họ vẫn sung sướng tung hoa giấy, mua và bán những chiếc áo phông in hình Obama.
Ngôi làng nhỏ Moneygall ở Ailen cũng đang hân hoan vì Obama. Một nghiên cứu khoa học từng chứng minh rằng ông cụ cố của Obama từng sống ở làng này trước khi di cư sang Mỹ. Cửa sổ các ngôi nhà và quán rượu trong làng treo đầy cờ Mỹ, trong khi một ban nhạc đang chơi bài "Không ai Ailen như Barack Obama".
"Chúng tôi không đến mức say xỉn đâu", chủ quán Ollie Hayes nói. "Chúng tôi chỉ muốn cho Barack thấy là chúng tôi đánh giá cao việc ông ta xuất thân từ đây. Chúng tôi sẽ nhấm nháp tí chút và chờ kết quả bầu cử qua truyền hình".
Tại Đức, nơi hơn 200.000 người từng tụ tập để nghe Obama phát biểu mùa hè vừa rồi, khi ông tới để quảng bá cho chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là về châu Âu và Trung Đông, tin tức về bầu cử thống trị các kênh truyền hình, báo chí và các bản tin trên mạng.
Tại Paris, người ta tổ chức nhiều lễ hội hài hước mang tên "Tạm biệt George", như kiểu tiệc chia tay Tổng thống Bush.
"Cũng như nhiều người Pháp, tôi muốn Obama thắng bởi đó sẽ là dấu hiệu của một sự đổi thay thực sự", Vanessa Doubine, một khách bộ hành trên đại lộ Champs-Elysees nói. "Tôi thực lòng mong muốn rằng hình ảnh của Mỹ gắn với Obam".
Ở thành phố Malmo của Thụy Điển, một người dân tên là Patrick Lindqvis, 37 tuổi, cho biết anh thấy có tới 6 tấm poster giả vờ quảng cáo vận động bầu cho ứng cử viên McCain, ngay bên ngoài căn nhà anh.
"Tôi chẳng biết ai đã dán", Lindqvist, người không mấy quan tâm đến chính sách đối ngoại của Mỹ, nói. "Nhưng nếu tôi là cử tri Mỹ, tôi chắc chắn chọn một người đàn ông da đen trẻ trung chứ không bầu cho một ông già da trắng".
Hội chứng Obama thể hiện rất rõ ràng không chỉ ở châu Âu, mà cả trong cộng đồng Hồi giáo trên thế giới, bởi người Hồi hy vọng phe Dân chủ sẽ ôn hòa hơn chứ không chọn giải pháp đối đầu như Cộng hòa.
"Tôi hy vọng Obama thắng bởi thế giới cần được thấy một nước Mỹ có thái độ chính trị toàn cầu hơn", Rais Yatim, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia - một nước có đông dân theo đạo Hồi - phát biểu.
Tuy nhiên ứng viên đảng Cộng hòa John McCain cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều nước khác, như Israel. Nhiều người dân nước này cho rằng McCain sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Iran và làm nhiều việc hơn để bảo vệ an ninh cho Israel.
Giới lãnh đạo Israel, vốn coi Mỹ là đồng minh thân thiết nhất trên thế giới, không công khai nói ra họ ủng hộ ứng viên nào. Tuy nhiên, trong những cuộc chuyện trò riêng tư, họ tỏ ra lo ngại về Obama, bởi ông này tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran.
Rít một hơi thuốc ở góc phố Jerusalem, một nhân viên ngân hàng tên là Leah Nizri, 53 tuổi, nói rằng Obama có thể mang đến những thay đổi đáng ngại.
"Tôi nghĩ ông ấy cũng hài lòng về Israel, nhưng ông ấy sẽ thay đổi", bà nói. "Ông ấy quá trẻ. Tôi cho là trong một thế giới suy thoái như hiện nay, nơi mà mọi thứ đều không rõ ràng, McCain sẽ tốt hơn Obama".
Ngay tại châu Âu, McCain cũng có những ủng hộ viên của mình. Tờ báo bán chạy nhất của Đức - Bild - phong cựu chiến binh này là "Anh hùng chiến tranh", còn liên danh Sarah Palin là "Vẻ đẹp huyền bí".
Tại Berlin, hội những người Cộng hòa Mỹ ở nước ngoài tổ chức tiệc "Sự ngạc nhiên của cuộc bầu cử tháng 11", để xem "McCain/Palin lội ngược dòng ngoạn mục, khiến Mỹ và châu Âu sửng sốt như thế nào".
Tại Anh, Thủ tướng Gordon Brown nhất quyết không nói ông muốn ứng viên nào thắng. Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Arabiya, ông nói rằng cho dù kết quả là thế nào, "thì lịch sử cũng đang được viết".
Thị trưởng London Boris Johnson, đảng viên đảng Bảo thủ, không tỏ ra e ngại về Obama. "Đối với những người đã chán ghét Mỹ - kể cả bản thân nhiều người Mỹ - Obama mang lại hy vọng cho sự nối lại tình yêu".
Nhiều người châu Âu đề cập đến chủng tộc khi nói về Obama. "Đó là một cách để người Mỹ xin lỗi về quá khứ sử dụng người da đen làm nô lệ", Alain Barret, nhân viên ngân hàng ở Paris, nói. "Cuộc bầu cử này khiến lịch sử Mỹ sang trang".
"Có một tổng thống không phải người da trắng, điều đó thật tuyệt", Letisha Brown, một người dân London, nói.
Tại một thị trấn duyên hải bình lặng ở Nhật Bản có tên Obama - theo tiếng Nhật nghĩa là "bãi biển nhỏ", hình ảnh của ông được vẽ trên các băng rôn dọc con phố chính, và việc chuẩn bị cho một bữa tiệc ăn mừng đang đến hồi rộn rã.
T. Huyền (theo AP)