Bị cáo Duch tại phiên tòa hôm qua. Ảnh: AP. |
Bị cáo bị xét xử là Kaing Guek Eav, còn gọi là Duch, từng cầm đầu một nhà tù khét tiếng và bị buộc tội chỉ huy sát hại, tra tấn khoảng 16.000 tù nhân. Hàng nghìn người xếp hàng nhiều giờ để được dự phiên tòa và nhìn mặt cựu chỉ huy nhà tù. Với các nạn nhân còn sống thì đây là cơ hội đầu tiên được thấy một thành viên hàng đầu trong chế độ Khmer Đỏ bị công lý phán xét.
Chủ tọa phiên tòa Nil Nonn cho biết, ngày mở đầu xét xử đã "hiện thực hóa các nỗ lực nhằm tạo lập một phiên tòa độc lập và công bằng, xử những người trong ban lãnh đạo cũ và chịu trách nhiệm chính đối với những vi phạm luật pháp quốc tế và Campuchia". Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Duch cho rằng "không thể chấp nhận" được việc thân chủ bị giam không xử suốt hơn 9 năm.
Bị cáo Duch được đưa từ trung tâm giam giữ tới tòa án bằng xe chống đạn và tiến vào phòng xét xử đặc biệt. Đây là một trong 5 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ sẽ đối mặt với công lý. Phòng xét xử khi Duch xuất hiện chật cứng người, gồm nhiều người sống sót của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ hoạc thân nhân của những người đã chết.
Duch, 66 tuổi, vốn xuất thân là giáo viên đã chỉ huy nhà tù Tuol Sleng tại Phnom Penh trong 4 năm, sau khi Khmer Đỏ lên cầm quyền năm 1979. Bị cáo này bị buộc tội trực tiếp giám sát và chỉ đạo việc tra tấn có hệ thống khoảng 16.000 tù nhân. Duch bị bắt năm 1999, hai năm sau khi ông này bị một phóng viên ảnh người Anh phát hiện tung tích.
Sọ người bị diệt chủng tại Choeung Ek, cánh đồng chết nổi tiếng nhất thời Khmer Đỏ. Ảnh: AP. |
Ngoài Duch hiện còn có 4 lãnh đạo Khmer Đỏ vẫn sống là Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith và Khieu Samphan nhưng đều đã già và sức khỏe kém. Tất cả những người này đều phủ nhận mọi tội ác xảy ra dưới thời họ cầm quyền. Trong khi đó, kẻ bị truy lùng gắt gao nhất vì tội ác chống lại loài người ở Campuchia là Pon Pot không bao giờ bị đưa ra trước công lý, vì đã chết trong khu rừng gần Thái Lan năm 1998.
Trong 4 năm tồn tại (1975-1979), chế độ diệt chủng do Pol Pot cầm đầu đã gây ra cái chết cho khoảng 2 triệu người. Campuchia đề nghị Liên Hợp Quốc giúp lập tòa án đặc biệt xử tội diệt chủng từ hơn một thập kỷ trước. Mãi tới năm 2006, một tòa án như vậy mới ra đời sau hàng loạt đàm phán dai dẳng giữa Phnom Penh và Liên Hợp Quốc. Nhưng sau đó phiên xét xử lại liên tục bị trì hoãn do các vấn đề thủ tục, bảo lãnh và kháng cáo.
Đình Chính (theo BBC, AP)