New York Times đưa tin, công ty cứu hộ hàng hải Hà Lan bắt đầu bơm nửa triệu gallons nhiên liệu từ con tàu bị lật Costa Concordia của Italy, bước đầu tiên trong công tác trục vớt con tàu du lịch sang trọng, để đại tu hoặc cắt ra thành những mảnh nhỏ làm phế liệu.
Công nhân của công ty cứu hộ Smit Salvage, dự kiến trong ngày hôm nay sẽ bắt đầu chuyển 2.400 tấn nhiên liệu của tàu lên sà lan. Khoảng 200 tấn dầu nặng cũng sẽ được rút ra khỏi con tàu ở ngoài khơi đảo Giglio của Italy. Quá trình dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 2-4 tuần, tùy thuộc vào tình hình thời tiết.
Hôm nay bắt đầu tiến hành trục vớt con tàu Costa Concordia bị lật. Ảnh: Foxnews |
Con tàu bị mắc cạn trong khu vực được mệnh danh là nơi trú ẩn cho các động vật có vú dưới nước, các quan chức và các nhà hoạt động môi trường lo lắng biển động có thể làm con tàu hỏng nặng thêm và rò rỉ dầu ra biển. Còn công ty Smit Salvage cho biết hiện 17 thùng dầu của con tàu vẫn còn nguyên vẹn.
Mike Lacey, tổng thư ký Liên minh cứu hộ quốc tế, cho biết nhiệm vụ của các công nhân sẽ phần nào dễ dàng hơn vì phần lớn nhiên liệu trên tàu là dầu disel, nhẹ và không cần làm nóng trước khi bơm hút. "Sẽ không vất vả như dầu nặng nhưng vẫn sẽ gặp phải một số khó khăn", Lacey nói.
Lacey cũng cho biết các thủy thủ đã bắt đầu khảo sát các thiệt hại của tàu, để xem xét xem có thể khôi phục được con tàu hay không. "Bạn có thể nhìn thấy các thiệt hại từ tàu từ phía bến cảng và có thể có những hư hại tương tự ở mạn phải của tàu vì phía dưới mặt nước nơi còn tàu nằm là đá.
Dựa trên báo cáo của công ty cứu hộ, chủ của con tàu và công ty bảo hiểm sẽ quyết định có nên mở cuộc đại tu con tàu có trị giá 450 triệu USD này không.
"Có thể phải tốn rất nhiều tiền để sửa chữa con tàu như thế này", Lacey nói về tình hình mà chủ con tàu và công ty bảo hiểm phải đối mặt, là có nên sửa chữa con tàu đã hư hại nặng trong vụ tai nạn hay không. "Nhưng cũng có thể công ty sẽ không tiến hành sửa chữa nó".
Nếu công ty bảo hiểm quyết định đại tu các bộ phận thì các nhân viên cứu hộ sẽ phải dựng con tàu lên và kéo nó lên bờ. "Đây là một công việc hết sức vất vả", Lacey nói.
David DeVilbiss, chuyên gia và là phó chủ tịch đội lặn và cứu hộ toàn cầu, một công ty có trụ sở tại Seatle, Mỹ, cho biết công ty cứu hộ sẽ phải làm việc với các kiến trúc sư và các nhà thiết kế hàng hải để dựng hình ảnh phần con tàu bị ngập trên máy tính, "máy tính sẽ thể hiện hình ảnh con tàu bị vỡ một nửa khi tàu được kéo lên".
Đầu tiên, các nhân viên sẽ phải vá các lỗ thủng trong vỏ tàu, DeVilbiss nói. Sau đó, sẽ phải huy động cần cẩu công suất lớn để kéo con tàu lên vì con tàu rất nặng và dài, lại chứa nước trong đó. DeVilbiss nói các nhân viên có thể sẽ phải dùng các túi khí bên phần tàu bị chìm để nâng nó nổi lên.
Họ cũng có thể bơm nước ra khỏi con tàu để tăng sức nổi cho con tàu, tuy nhiên Lacey cho biết là xác suất làm hư hỏng con tàu là rất cao, "trừ khi bạn đã vá hết tất cả các lỗ thủng, còn không thì những việc bạn làm là bơm nước của Địa Trung Hải qua con tàu.
Thay vào đó, khi tàu được dựng thẳng lên và một phần lớn của con tàu đã ở trên mặt nước, lúc này mới nên bơm nước và kéo con tàu lên. Theo Lacey, phương pháp này khả thi hơn nhưng cũng không hề đơn giản vì đây là tàu chở khách với nhiều khoang và các không gian nhỏ, không giống như tàu chở hàng có không gian rộng hơn.
Sau khi hoàn tất công tác trục vớt, tàu sẽ được chuyển về xưởng đóng tàu để bắt đầu quá trình sửa chữa lâu dài và tốn kém.
Hoàng Lộc