Đảo Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, trong bài viết dài của mình, Nhân dân Nhật báo, tờ báo thịnh hành nhất ở Trung Quốc và là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản nước này, lập luận rằng Bắc Kinh có thể có chủ quyền đối với chuỗi đảo Ryukyu, vốn bao gồm Okinawa.
Đảo này là nơi đóng quân của các căn cứ không quân và hàng hải lớn của Mỹ, với 1,3 triệu dân, trong đó hầu hết là công dân Nhật Bản và nói tiếng Nhật.
Các tác giả của bài viết, hai học giả thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được xem là viện tư tưởng quốc gia hàng đầu Trung Quốc, cho rằng Ryukyu là một "nước chư hầu" của Trung Quốc, trước khi Nhật Bản thôn tính quần đảo vào cuối những năm 1800.
"Các vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến quần đảo Ryukyu đã đến lúc cần được xem xét lại", ông Zhang Haipeng và ông Li Guoqiang viết, viện dẫn các tuyên bố trước Thế chiến II, yêu cầu Nhật Bản trao trả lãnh thổ Trung Quốc.
Bài viết cũng lặp lại những lập luận của chính phủ Trung Quốc về chủ quyền lịch sử đối với quần đảo không người sinh sống ở biển Hoa Đông được gọi là Điếu Ngư trong tiếng Trung, và Senkaku trong tiếng Nhật.
Trong những tháng gần đây, hai nước tăng cường đấu khẩu, trong khi các tàu của Bắc Kinh thường xuyên thâm nhập vùng biển quanh quần đảo hiện do Tokyo quản lý, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ vũ trang.
Trước lập luận của Bắc Kinh, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng bài viết là "thiếu suy nghĩ".
"Chúng (các đảo) là một phần lãnh thổ không thể nhầm lẫn của đất nước chúng tôi. Đây là thực tế đã được chấp nhận về mặt lịch sử và bởi cộng đồng quốc tế", ông nói.
Ông Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc thuộc đại học Hong Kong, nhận định rằng, những câu hỏi về chủ quyền của Nhật Bản với Okinawa có thể nhằm mục đích thổi phồng mối tranh cãi ở biển Hoa Đông.
"Tôi nghĩ đây là chiến tranh tâm lý", ông nói. "Mục đích chính là gây áp lực để ép chính phủ Nhật Bản nhân nhượng về Senkaku/Điếu Ngư".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh liên tục từ chối đưa ra câu trả lời trực tiếp khi được hỏi về vấn đề này tại cuộc họp báo định kỳ hôm nay.
"Các học giả từ lâu đã quan tâm đến lịch sử của Okinawa và Ryukyu, nhưng quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, và chưa bao giờ là một phần của Ryukyu hay Okinawa", bà Hoa nói.
Okinawa là đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, cách phần lục địa của Nhật Bản khoảng 1.000 km, và là trung tâm của vương quốc Ryukyu từng triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa cho đến khi được Nhật Bản sáp nhập năm 1879.
Tuy nhiên, một số người Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ lịch sử này là nền tảng cơ bản cho chủ quyền và bác bỏ quyền sở hữu của Nhật Bản với quần đảo này như một di sản của chủ nghĩa bành trướng mạnh mẽ vốn đã kết thúc trong thất bại vào cuối Thế chiến II.
Chính phủ Trung Quốc không có những tuyên bố chủ quyền như trên, nhưng truyền thông quốc gia đang dần dần thực hiện các bài viết và bài bình luận đặt câu hỏi về thẩm quyền của Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng cứng rắn khi nhấn mạnh về vấn đề chủ quyền, trong khi các nước khác ở châu Á lại đầu tư mạnh vào việc củng cố năng lực hải quân của mình.
Anh Ngọc