![]() |
Eugeniusz Kolodziejczyk đứng tại nơi cách đây 70 năm ông nhìn thấy máy bay Đức tiến vào Ba Lan. Ảnh: AP. |
Giữa lúc mối đe dọa từ phát xít Đức đến gần kề, cha của Eugeniusz được gọi tòng quân bảo vệ biên giới Ba Lan phòng khi chiến sự xảy ra. Và cuộc chiến đã nổ ra - dữ dội, bất ngờ và với sức hủy diệt khủng khiếp, bằng những loạt đạn pháo mở màn cho Thế chiến II tại châu Âu.
Nghe thấy tiếng gào rú trên bầu trời, Eugeniusz ngẩng đầu lên và thấy một đàn máy bay, những phi cơ ném bom Stuka đang sà xuống thấp.
Và bom bắt đầu rơi xuống.
Kolodziejczyk nhìn đồng hồ, 4:40 phút sáng. Những tiếng nổ mở màn cho một cuộc chiến trên toàn thế giới và khiến hơn 40 triệu người thiệt mạng bắt đầu.
"Tôi nhìn thấy khói và lửa, những tiếng nổ chói tai và những tiếng thét vang lên", Kolodziejczyk, giờ đã 83 tuổi, giọng run run kể lại khi ký ức từ 70 năm trước dội về. "Tôi đã sốc", ông kể lại với AP.
Thành phố Wielun của Ba Lan là mục tiêu đầu tiên của phát xít Đức trong Thế chiến II ở châu Âu, thậm chí trước cả căn cứ quân sự của nước này tại Westerplatte trên bờ biển Baltic. Nơi này bị đạn pháo của Đức nã chỉ sau đó 5 phút.
Westerplatte là nơi diễn ra hoạt động chính thức kỷ niệm 70 năm ngày Thế chiến II mở màn nhưng Wielun cũng có những hoạt động riêng để bảo vệ vai trò của họ trong lịch sử.
6 triệu người Ba Lan, tức là khoảng một phần tư dân số khi đó, đã chết trong thời gian nước này bị Đức chiếm đóng. Hơn một nửa số nhà máy, bảo tàng, thư viện, làng mạc của họ bị phá hủy. Ba Lan đã bị sử dụng làm căn cứ để phát xít vươn những chiếc vòi diệt chủng.
Hiện chưa rõ tại sao Đức chọn Wielun, chỉ cách biên giới của họ chỉ 20 km làm điểm mở màn.
"Không có binh sĩ hay chỉ huy nào ở đấy cả, cũng không cơ sở công nghiệp quan trọng nào. Có lẽ họ muốn khiến dân thường hoảng loạn", Jan Ksiazek, người phụ trách bảo tàng địa phương bình luận.
Trong cuốn sách xuất bản tại Berlin năm 1939, giới chức không quân Đức nói rằng họ nghĩ quân Ba Lan đóng trong thành phố Wielun.
Ngày nay, những ngôi nhà hiện đại được xây dựng trên nền những tòa nhà cổ kính từng bị bom phá hủy. Không còn dấu vết nào gợi nhớ về những loạt bom của phát xít Đức trừ bức tượng đá tại nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 14 ở trung tâm thành phố.
Kolodziejczyk nhớ lại khi bom rơi xuống, ông đã chạy lại giúp một bé gái nằm trên đất, khuôn mặt đầy máu. Nhưng khi Kolodziejczyk nâng cánh tay cô bé lên, nó rơi thõng xuống, không còn sự sống.Sau đó cùng với cha, Kolodziejczyk đưa hai cô gái và hai phụ nữ bị thương vào trạm cấp cứu rồi chạy về nhà ở ngoại ô thành phố rồi kể cho bà nghe những gì đã xảy ra. "Tôi không thể tin nổi người Đức, những người đầy văn hóa và có giáo dục, lại có thể làm thế", ông nhớ lại.
Ở trung tâm thành phố, cô bé Zofia Blaszynska 11 tuổi đang ngủ bỗng choàng dậy vì tiếng bom. Lúc đầu, Blaszynska nghĩ đó là tiếng bò kêu. Không một lời giải thích, mẹ của Blaszynska bảo cô bé mặc quần áo. "Bỗng nhiên tôi thấy trần nhà nứt và cửa kính rơi xuống sàn. Chúng tôi nhảy qua cửa sổ chạy ra ngoài", Blaszynska giờ đây là bà lão 81 tuổi nhớ lại.
Vẫn trong những bộ đồ ngủ và đi chân trần, họ chạy qua những ngôi nhà đang cháy đến một hầm rượu nơi nhiều người đang trú ẩn. Tiếng người khóc, tiếng cầu nguyện vang lên.
Đối với Blaszynska và Kolodziejczyk, cũng như những người Ba Lan khác, đó chỉ là những phút mở màn của nỗi thống khổ kéo dài suốt 5 năm sau đó. Dù ký ức và sự kinh hoàng vẫn rõ mồn một trong tâm trí, Kolodziejczyk nói rằng ông không hận thù người Đức. "Trong Thế chiến II, người Đức tạo ra địa ngục không chỉ cho chúng tôi mà cả dân Đức nữa. Tôi không thù ghét họ", ông nói.
Mai Trang