"Tình trạng gia tăng các sự cố trên ở Biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc và ASEAN ngay lập tức đưa ra quy định về việc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), để những gì đã thống nhất được thực thi đầy đủ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói hôm qua.
Tàu của Trung Quốc (trong vòng đỏ) nhìn từ tàu Viking II của Việt Nam trong vụ phá cáp tàu Việt Nam hôm qua. Ảnh: Petro Times. |
Ông cho biết đây cũng chính là trọng tâm của tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi đầu tháng, trong đó, kêu gọi các bên tranh chấp là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia, thúc đẩy việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Tất cả các bên phải tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc và tránh dùng các biện pháp có thể dẫn tới bạo lực leo thang", Jakarta Post dẫn lời ông Tene nói.
Trong thời gian gần đây, các nước có tranh chấp liên tiếp tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc và nói rằng họ chỉ sử dụng bạo lực khi bị tấn công.
Trung Quốc còn đòi các nước láng giềng bỏ ý định tìm kiếm dầu mỏ gần quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp, AP đưa tin. "Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng tìm kiếm khả năng khai thác tài nguyên ở vùng biển thuộc về Trung Quốc", đại sứ Trung Quốc tại Manila Lưu Kiến Siêu nói.
Biển Đông là một khu vực rộng hơn, ước tính 1,7 đến 3 triệu km vuông, được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào, trong đó dầu ước tính có đến 17,7 tỷ tấn, đứng thứ tư về trữ lượng trên thế giới. Ông Lưu cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng họ đồng ý khai thác chung với các nước có tranh chấp.
Tuy nhiên quan điểm này được giới quan sát bình luận là cách để Trung Quốc nhảy vào khai thác ở nơi thuộc chủ quyền của nước khác.
Giám đốc Viện Quốc phòng và Nghiên cứu An ninh Indonesia Connie Rahakundini Bakrie nhận định tranh cãi ở Biển Đông là một bài thử cho ASEAN về không gian biển ở Đông Nam Á. Trong khu vực này có tới 60 điểm tranh chấp và chỉ 20% trong số này được giải quyết.
"Nếu ASEAN không thể dàn xếp được vấn đề Biển Đông, làm thế nào ta có thể giải quyết những vấn đề phức tạp hơn trong tương lai", bà nói.
Chuyên gia Andi Widjajanto thuộc Đại học Indonesia thì bình luận rằng những vụ việc gần đây chứng tỏ ý định hành động đơn phương của Trung Quốc, cho dù họ vẫn tuyên bố là sẽ đàm phán hòa bình.
"Các ngoại trưởng ASEAN cần có nỗ lực đặc biệt để khiến cơ chế DOC có hiệu lực bởi lẽ cơ chế hiện tại không hiệu quả", ông nói.
Mai Trang