Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN bắt tay đoàn kết tại ngày đầu của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh. Ảnh: AFP |
Trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Ngoại trưởng và các nhà ngoại giao cấp cao của các nước thành viên đã cùng thảo luận về đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn xung đột giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Brunei, Philippines và Malaysia.
Trước đó, Tuyên bố về cách ứng xử Biển Đông (DOC) đã được ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Bản Thỏa thuận về hướng dẫn thực thi DOC được đưa ra năm ngoái tại hội nghị ở Indonesia. Hiện nay COC đang là mục tiêu hướng đến của các bên.
Trung Quốc tỏ ý nước này muốn tham gia vào việc soạn thảo COC cùng ASEAN. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng các nước thành viên trong khối nên hoàn thiện bộ quy tắc này trước khi thảo luận với Trung Quốc.
"Điều quan trọng là chúng ta cần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN", AP dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino III phát biểu.
"Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần dự thảo COC và sau đó mới sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc", Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nói.
Tuy nhiên một số nước như Indonesia nêu ý kiến cần đưa Trung Quốc vào tham gia ngay từ đầu tiến trình soạn thảo, để có thể lắng nghe ý kiến của các bên liên quan.
Trung Quốc không muốn đàm phán đa phương về tranh chấp Biển Đông mà muốn giải quyết song phương với từng quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Mặc dù còn những điểm khác biệt, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan vẫn cho rằng đây là một tín hiệu tốt, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tham gia cùng ASEAN vào việc thảo luận các biện pháp hóa giải tranh chấp.
"Cho dù còn những ý kiến khác biệt nhưng tôi nghĩ rằng xét về tổng thể,chúng ta đang đi đúng hướng trong việc tham gia tích cực vào vấn đề này", ông Surin nói. "Điều quan trọng là chúng ta đảm bảo với thế giới rằng chúng ta có thể quản lý được các bất đồng của mình".
Surin cho hay các bên hy vọng đạt được COC trong năm nay.
Ngoài vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Hiệp hội cũng dành lời hoan nghênh cho Myanmar vì những cải cách dân chủ gần đây, nhằm tiến tới hòa hợp dân tộc, ổn định và phát triển đất nước, trong đó có kết quả bầu cử bổ sung ngày 1/4/2012.
Campuchia, Chủ tịch ASEAN năm nay, muốn tập trung vào những vấn đề phi chính trị như mục tiêu chuyển đổi Đông Nam Á từ một khu vực của những nền dân chủ còn non trẻ, các nước theo xã hội chủ nghĩa và quân chủ lập hiến, thành một khối thống nhất tương tự Liên minh châu Âu (EU). Sự liên kết này nhằm tăng sức cạnh tranh cho ASEAN trong một khu vực đang bị những "gã khổng lồ" mới nổi Trung Quốc và Ấn Độ chi phối.
"ASEAN đang đối mặt với những thách thức cần được giải quyết nhằm hướng đến mục tiêu "một cộng đồng, một số phận" ", Thủ tướng Campuchia Hunsen phát biểu và nhấn mạnh chủ đề của hội nghi cấp cao năm nay.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 là hội nghị thường kỳ của các nhà lãnh đạo ASEAN, đồng thời là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2012 của Campuchia. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân dẫn đầu đến Phnom Penh để tham dự Hội nghị trong hai ngày 3 và 4/4.
Anh Ngọc