"Tại nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), công nhân Triều Tiên chuyển tiền lương về nước", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay nói khi tới thăm binh sĩ Anh tại một căn cứ NATO ở Estonia. "Có thể áp đặt nhiều cách trừng phạt. Có thể đưa họ về nước và có nhiều biện pháp hỗ trợ điều này".
Johnson cho biết ông ủng hộ việc trục xuất các lao động Triều Tiên về nước.
Lao động Triều Tiên tại nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc và Nga, được cho là một nguồn tiền chính của Bình Nhưỡng. Các nhà ngoại giao EU ước tính có khoảng 300 lao động Triều Tiên làm việc tại liên minh, hầu hết ở Ba Lan.
Con số này không lớn nhưng Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 7/9 cho rằng cần phải hành động "bởi số tiền họ kiếm được tại EU chỉ có một mục đích là phục vụ chương trình hạt nhân Triều Tiên".
Các bộ trưởng EU còn nhất trí tìm cách theo dõi xem Triều Tiên tiếp nhận công nghệ giúp nước này phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân từ đâu.
Mỹ đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì nước này thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9. Dự thảo kêu gọi cấm vận dầu mỏ với Triều Tiên, cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, cấm thuê lao động Triều Tiên, cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, những nỗ lực tăng cường trừng phạt Triều Tiên của Mỹ có thể vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Như Tâm