Cuộc tranh chấp giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và hai người em trở nên căng thẳng, sau khi một ủy ban chính phủ đưa ra phương án xử lý ngôi nhà của cha họ - cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, AFP đưa tin.
Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi là nơi ông Lý Quang Diệu từng sinh sống. Trong di chúc của mình, cựu thủ tướng Singapore muốn con phá hủy ngôi nhà sau khi ông qua đời, nhằm tránh biến nó thành nơi sùng bái cá nhân. Tuy nhiên, ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh, hai người em của ông Lý Hiển Long, tố cáo Thủ tướng Singapore ngăn cản việc thực hiện di chúc nhằm phục vụ mục đích chính trị.
Ủy ban chính phủ Singapore đưa ra ba phương án xử lý vào ngày 2/4, gồm bảo tồn ngôi nhà như tượng đài quốc gia, phá hủy hoàn toàn để tái phát triển hoặc tháo dỡ và giữ lại những phần có giá trị lịch sử. Ủy ban này tuyên bố số phận ngôi nhà sẽ được quyết định bởi chính phủ trong tương lai.
Hai người em của Thủ tướng Lý khẳng định giải pháp bảo tồn đi ngược lại với di chúc của cha họ. "Cha mẹ tôi muốn nó bị phá hủy sau khi họ qua đời", bà Lý Vỹ Linh viết trên mạng xã hội Facebook. Ông Lý Hiển Dương tuyên bố "quyết định của ủy ban chính phủ không phản ánh đúng ý nguyện của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu".
Thủ tướng Singapore đã chấp nhận quyết định của ủy ban chính phủ, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc từ hai người em.
Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của Singapore, điều hành nước này từ năm 1959 đến 1990. Ông được ca ngợi là người đã biến Singapore từ thuộc địa cũ nghèo của Anh thành một trong những xã hội giàu mạnh, ổn định nhất thế giới.
Ông Lý Hiển Long là thủ tướng thứ ba của Singapore, là con trai cả của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi. Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu cho biết người con cả luôn có hứng thú với tình hình chính trị Singapore và thường xuyên theo chân ông tới các buổi diễn thuyết kể từ năm 1963.
Tử Quỳnh