Bà Merkel trong lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Đức năm 2005. Ảnh: Bundeskanzlerin |
Trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam, bà Angela Merkel dẫn đầu một đoàn đông đảo các chính khách và doanh nhân , trong đó có đại diện của nhiều công ty lớn tại Đức, những người đang nhắm tới các cơ hội mới tại châu Á. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và giáo dục, và được hy vọng sẽ kéo theo làn sóng đầu tư của các công ty Đức.
Bà Merkel, đang tại nhiệm nhiệm kỳ thứ hai, hiện là người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, và có tiếng nói quan trọng trong Liên minh, là một trong những nhân vật then chốt trong tiến trình ngăn chặn khủng hoảng tài chính và nợ công ở khu vực này.
Sự nghiệp
Bà Angela Merkel là một hiện tượng thú vị trên chính trường Đức hơn hai thập kỷ qua, từ một phụ nữ bình thường, một nhà nghiên cứu vật lý trở thành “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” theo bình chọn nhiều năm liền của tạp chí Forbes.
Năm 1989, bà Merkel đảm nhận vai trò phó phát ngôn viên của chính phủ tạm quyền trong giai đoạn nước Đức chuẩn bị thống nhất. Nhà nghiên cứu vật lý rẽ ngang sang con đường chính trị sau đó trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các của cựu Thủ tướng Helmut Kohl.
Năm 1994, Merkel đảm nhận vai trò Bộ trưởng Môi trường và An toàn Hạt nhân. Đây là một bước ngoặt quan trọng giúp bà có nhãn quan chính trị rộng hơn, và cũng là nền tảng để xây dựng sự nghiệp chính trị sau này.
Năm 2005, tức là hơn một thập kỷ sau bước ngoặt kể trên, bà Merkel tiếp quản chiếc ghế của ông Gerhard Schroeder để trở thành thủ tướng Đức. Đây là một sự kiện đặc biệt tại cường quốc kinh tế số một châu Âu. Merkel không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên mà còn là thủ tướng trẻ nhất của nước Đức, khi lên nắm quyền ở tuổi 51.
Bà cũng là người đầu tiên của thế hệ sinh ra sau Thế chiến II trở thành thủ tướng Đức, và là người đầu tiên đảm nhận vị trí này xuất thân từ một ngành khoa học tự nhiên. Merkel tiếp tục lãnh đạo nước Đức trong nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2009, với việc thành lập một chính phủ liên minh giữa đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà và đảng Dân chủ Tự do.
Nước Đức dưới thời Merkel duy trì được vị trí đầu tàu kinh tế của châu Âu. Giữa cơn khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro, Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định khiến tất cả phải ganh tị. Tất cả bắt nguồn từ các chính sách đúng đắn của “Người đàn bà thép” Angela Merkel.
"Người đàn bà thép" Angela Merkel. Ảnh: Forbes |
Chính sách
Ngay khi lên nắm quyền, thủ tướng Đức chủ trương cắt giảm chi tiêu công trong khi tăng thuế giá trị gia tăng từ 16% lên thành 19%, tăng đóng góp của bảo hiểm xã hội cũng như nâng cao tỷ lệ thuế thu nhập. Merkel tuyên bố mục tiêu chính mà chính phủ của bà nhắm tới là giảm thất nghiệp nhằm đảm bảo sự ổn định trong xã hội.
Gần đây nhất, khi dư luận Đức tỏ ra lo lắng về chính sách hạt nhân của nước này sau sự cố ở nhà máy Fukushima I tại Nhật, thủ tướng Đức đã quyết định giảm dần và tiến tới ngừng hẳn sự hoạt động của các nhà máy hạt nhân từ nay cho tới năm 2022. Quyết định này vừa làm yên lòng dư luận Đức, vừa khiến nâng cao hình ảnh của liên minh cầm quyền do bà Merkel lãnh đạo.
Về các chính sách đối ngoại, thủ tướng Đức chủ trương giữ vững quan hệ với các cường quốc. Bà liên tục thực hiện các chuyến công du tới Mỹ, Nga hay Trung Quốc, đồng thời thường xuyên xuất hiện tại các diễn đàn đa phương ở tầm khu vực cũng như thế giới.
Merkel là người đầu tiên thay thế sự lãnh đạo suốt nửa thế kỷ của các chính khách nam giới tại đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). Merkel đã chia tay người chồng đầu tiên, nhưng vẫn giữ tên họ của ông sau khi tái hôn. Đó chỉ là hai trong số những nét đặc biệt làm nên con người Merkel.
Đức là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010. Theo số liệu của Đức có tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch song phương thậm chí lên tới 6 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức vẫn cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam. |
Phan Lê