Phòng không Syria đánh chặn tên lửa Mỹ ở Damascus
Tại Washington 21h ngày 13/4, tức 4h sáng 14/4 tại Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng tên lửa vào lãnh thổ Syria, bất chấp những cảnh báo cứng rắn từ Nga, đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chỉ vài phút sau, các phóng viên tại Damascus nghe thấy hàng loạt tiếng nổ lớn, trong khi cư dân thành phố lao tới ban công, theo AFP.
Trong khoảng 45 phút, tiếng nổ và tiếng động cơ tên lửa làm rung chuyển thủ đô Syria, cùng hàng loạt chớp sáng xuất hiện ở phía xa. Khi bình minh tới, nhiều cột khói bốc lên khắp khu vực phía bắc và đông Damascus.
Quan chức phương Tây tuyên bố hàng loạt tên lửa hành trình đã đánh trúng các mục tiêu gần Damascus và thành phố Homs, bao gồm một trung tâm nghiên cứu khoa học, cơ sở nghi lưu trữ vũ khí hóa học và một căn cứ chỉ huy quan trọng. Đây được coi là hành động quân sự lớn nhất của Mỹ và đồng minh nhằm vào chính quyền Syria từ trước tới nay.
Quân đội Pháp tuyên bố đã bắn nhiều tên lửa hành trình từ tàu hộ vệ trên Địa Trung Hải, cũng như điều các tiêm kích từ căn cứ trên lãnh thổ Pháp tham gia trận đánh. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định "phần lớn" kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria đã bị phá hủy.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, 4 cường kích Tornado đã phóng tên lửa Storm Shadow vào một căn cứ quân sự cách thành phố Homs khoảng 25 km. "Chiến dịch hiệp đồng này gửi thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận và mặc kệ việc sử dụng vũ khí hóa học", Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong cuộc họp báo sau đợt không kích.
Tổng thống Trump từng để ngỏ khả năng can thiệp quân sự trên quy mô lớn vào Syria. Tuy nhiên, trận đánh sáng 14/4 chỉ nhằm vào rất ít mục tiêu, tất cả dường như đã được sơ tán kể từ đầu tuần. Hãng thông tấn Syria SANA cho biết chỉ có ba người bị thương, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không có nạn nhân Syria thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ thể hiện rõ ràng quan điểm, cho thấy đợt không kích là hành động đáp trả trực tiếp cáo buộc quân đội Syria tấn công hóa học tại thành phố Douma, Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, làm khoảng 70 người thiệt mạng. "Cuộc tấn công độc ác và đáng khinh làm những người cha mẹ và con cái co giật trong đau đớn không thở nổi. Đó không phải hành động của con người, mà là tội ác của quái vật", ông Trump phát biểu.
Cuộc không kích chớp nhoáng của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết chưa có kế hoạch tấn công bổ sung. Chính phủ Syria liên tục bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hạt nhân, lên án đợt không kích của Mỹ, gọi đó là "sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế, trái với mong muốn của cộng đồng quốc tế và sẽ thất bại".
Nga cho biết đã yêu cầu phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc để bàn về cuộc không kích của Mỹ và đồng minh. "Một hành động hung hăng chống lại quốc gia có chủ quyền đã được tiến hành mà không có sự chấp thuận của HĐBA, phá vỡ hiến chương Liên Hợp Quốc và các điều luật quốc tế", Điện Kremlin ra thông cáo cho biết.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công vào Syria, đồng thời gọi các lãnh đạo Mỹ, Pháp và Anh là "những tên tội phạm".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết các khẩu đội phòng không Syria tìm cách đánh trả, nhưng quân đội Mỹ không bị thiệt hại. Còn quân đội Nga cho biết liên quân Mỹ đã phóng 103 tên lửa hành trình các loại, nhưng lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ 71 quả.
Tên lửa Mỹ 'bị bắn hạ như ruồi'
Ông Nedher Hammoud, cư dân 48 tuổi tại Damascus, cho biết đã thấy tên lửa "bị bắn hạ như ruồi". "Hãy để họ làm những gì họ muốn, giết hại những người họ muốn. Lịch sử sẽ ghi lại rằng Syria đã bắn hạ nhiều tên lửa. Không chỉ tên lửa, chúng tôi đã bắn hạ sự kiêu căng của Mỹ", ông Hammoud tuyên bố.
Nhiều đám đông đã tập trung tại cuộc tuần hành tự phát tại quảng trường Umayyad ở trung tâm thủ đô Damascus, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Assad. Người dân mang theo quốc kỳ Syria và hát những bài về lòng yêu nước. Nhiều chiếc xe được sơn màu đỏ, trắng và đen của lá cờ Syria.
Các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) dự kiến bắt đầu việc điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, cứ điểm cuối cùng của lực lượng đối lập Syria, vào cuối ngày 14/4. Nhóm phiến quân Jaish al-Islam khẳng định vụ tấn công buộc họ phải chấp nhận thỏa thuận sơ tán do chính phủ Nga đưa ra, mở đường cho lực lượng chính phủ vào kiểm soát khu vực Đông Ghouta.
Mohammad Alloush, thành viên chủ chốt của Jaish al-Islam, tuyên bố đợt tấn công của phương Tây chưa đủ uy lực. "Họ chỉ trừng phạt công cụ tội ác, trong khi vẫn giữ lại tên tội phạm. Đúng là trò hề", Alloush viết trên Twitter. Truyền thông Syria cho biết lực lượng an ninh đã tiến vào Douma và kiểm soát thành phố này chỉ trong vài giờ.
Liên Hợp Quốc kêu gọi kiềm chế
Trong những ngày giữa vụ tấn công tại Douma và cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, Washington và Moskva liên tục có những cuộc tranh luận nảy lửa. Chính phủ Nga bác bỏ việc quân đội Syria dùng vũ khí hóa học, đồng thời đưa ra nhiều giả thuyết, bao gồm cả việc Anh đứng sau sự kiện này.
Washington, Paris và London khẳng định các nguồn tin tình báo chỉ ra chính phủ của ông Assad có trách nhiệm. Vào ngày 13/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã có "bằng chứng" về vụ tấn công ở Douma. Dường như các lãnh đạo phương Tây đã có đủ lý do để tấn công trừng phạt, nhưng giới quan sát lo ngại rằng khủng hoảng sẽ tiếp tục leo thang.
Quân đội Nga đã thề đáp trả mọi cuộc tấn công, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục cảnh báo ông Trump đang đưa nước Mỹ đi theo con đường nguy hiểm.
"Washington đã phát động hành động hiếu chiến chống lại một quốc gia có chủ quyền, đang đi tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố", Putin tuyên bố sau cuộc tấn công. Theo lãnh đạo Nga, hành động của Mỹ gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ trật tự quan hệ quốc tế và kích động thêm làn sóng di cư tại Syria và cả khu vực.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm nay kêu gọi sự bình tĩnh, hoãn chuyến đi tới Arab Saudi để giải quyết hậu quả từ hành động quân sự của Mỹ và đồng minh. "Tôi hối thúc các nước thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm như vậy", ông Guterres cho biết.
Tử Quỳnh