From: Lan
Sent: Friday, November 13, 2009 11:40 AM
Kính gửi mục tâm sự của báo VnExpress.net,
Tôi là người không một ngày không đọc báo điện tử VnExpress.net, và cũng không một lần nào không đọc mục Tâm sự. Có rất nhiều người đã cởi mở lòng mình để được các độc giả chia sẻ, đưa ra những lời động viên, lời an ủi và cả những lời khuyên cho hoàn cảnh của mình. Và hơn bao giờ hết tôi cũng muốn được điều đó.
Câu chuyện của tôi sau đây là chuyện muôn thủa xảy ra hằng ngày, ở rất nhiều gia đình có mẹ chồng nàng dâu. Tôi năm nay 27 tuổi, đã lấy chồng được 3 năm và có một bé gái 2 tuổi. Vợ chồng tôi quen nhau và lấy nhau dựa trên tình yêu và tinh thần tự nguyện của 2 bên. Nếu nói về cá nhân anh thì tôi không có gì trê trách, mọi chuyện của anh tôi có thể bỏ qua. Nhưng với bố mẹ chồng, và đặc biệt là mẹ chồng, thì có lẽ tôi không thể không bỏ qua và cố làm ra vẻ như không có gì được.
Chúng tôi cưới nhau, xây dựng được như ngày hôm nay là từ 2 bàn tay trắng. Tất nhiên là không phủ nhận được tình cảm và công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ đẻ mỗi bên. Nhưng đối với mẹ chồng tôi thì con trai bà là nhất. Bà luôn nghĩ rằng tôi lấy được anh như là một sự có phúc đối với tôi. Nhưng bà đâu nghĩ rằng nếu so về học vấn thì tôi hơn hẳn anh. Hoàn cảnh gia đình thì nhà tôi cũng hơn hẳn. Nhưng tất cả những thứ đó đối với tôi là vô nghĩa vì chúng tôi yêu nhau, và đến với nhau bằng tình yêu.
Từ lúc dạm ngõ đến khi cưới, tiền tàu xe, lễ nạp đều do bàn tay tôi lo hết (nhà tôi cách nhà anh hơn 300 km) và tất nhiên đó là sự cố gắng của cả hai chúng tôi. Người ta cưới nhau, dù ít dù nhiều thì cũng được bố mẹ chồng cho một ít tùy từng hoàn cảnh gia đình có thể là 100.000 VND hay 200.000 VND cũng gọi là mua cái bát và cái đũa. Nhưng ngay cả điều nhỏ nhoi thế chúng tôi cũng không có. Tôi tổ chức 20 mâm báo hỷ cơ quan chúng tôi. Tôi mời bố mẹ 2 bên lên đại diện. Nhưng khi bố mẹ chồng tôi về, thì việc đầu tiên sau khi tiệc tan là gửi tiền tàu xe và quà về nhà.
Nhưng tất cả điều đó rất là nhỏ, tôi không nghĩ tới và cũng không có gì làm tôi phải suy nghĩ và băn khoăn. Nhưng đến bây giờ, điều tôi băn khoăn nhất đó là con gái tôi. Tất cả những gì ông bà đối với tôi, tôi không nề hà gì, nhưng đối với con gái, thì không bao giờ tôi có thể cố gắng bỏ qua.
Tôi sinh bé tại quê chồng. Nhà chồng nghèo, tôi biết điều đó nên cũng đã chuẩn bị chút tiền để về sinh con. Tôi có bảo hiểm nên không mất tiền tại bệnh viện, chỉ tiền đi lại và tiền ăn thôi. Chồng tôi lúc đó lương cũng thấp. Tôi làm cho công ty nước ngoài vào thời điểm đó lương cũng không cao. Nên chúng tôi cũng phải dành dụm và tiết kiệm.
Tôi đưa tiền cho bà để bà chi phí thức ăn cho tôi trong thời gian tôi ở nhà (khoản đó cũng không nhiều). Nhưng trong thời gian tôi chờ sinh và sau sinh đến một miếng gà hầm mà các bà đẻ khác được ăn tôi cũng không có. Bố mẹ đẻ tôi ở xa nên chỉ xuống được một tuần, mà ngày đó nước mình đang trong thời gian kiểm dịch, nên việc vận chuyển không được phép. Nhưng những điều ấy cũng quá nhỏ với tôi.
Bé nhà tôi được một tháng 2 ngày thì tôi lên Hà Nội. Mẹ chồng tôi cũng lên để trông cháu cho tôi đi học. Lúc đó tôi vừa làm vừa đi học ở Trường Kinh tế quốc dân. Nhưng cũng vì việc học đó của tôi mà mẹ chồng tôi cho rằng con trai bà làm để nuôi vợ đi học. Rồi trong lúc ở với vợ chồng tôi bà luôn kể với mọi người xung quanh là tôi luôn sai chồng giặt quần áo và rửa bát. Lúc ấy con tôi chưa đầy 2 tháng thì bà bỏ về quê và sau Tết bà vào miền Nam để làm giúp công việc thu hoạch hạt điều cho họ hàng chồng tôi.
Nhưng đau hơn là sau thời gian tôi trở lên Hà Nội, bố chồng gọi điện bắt tôi phải bỏ ngay số điện thoại di động mà tôi đang dùng vì ông cho rằng tôi cài đặt thế nào mà tôi gọi đi thì ở nhà phải trả tiền. Tôi dùng mạng di động Vinaphone từ năm 2003 và thuê bao trả trước. Các quý độc giả có biết làm cách nào để cài đặt được không?
Thời gian đó bé nhà tôi được khoảng 2,5 tháng. Khóc nhiều và suy nghĩ cũng nhiều. Tôi nói với chồng tôi là hãy gọi điện về giải thích với ông bà để ông bà không còn suy nghĩ như thế. Nhưng ông bà vẫn cho rằng mình đúng và không phải một lần mà nhiều lần ông bà gọi điện lên cho tôi yêu cầu tôi bỏ số điện thoại của tôi đi và nói rằng tôi gọi về cho bố mẹ đẻ tôi lúc 11h đêm.
Như các quý độc giả biết rồi đấy, chuyện làng quê, một người biết rồi trăm người biết. Cả họ nhà chồng tôi biết việc đó, có bà thím còn nói với tôi là: “Trong chuyện này thì không biết ai sai ai đúng. Nhưng sao lại 11h đêm vẫn gọi về cho bố mẹ đẻ”. Tôi đến chết mất.
Thời gian đó em chồng tôi thi ĐH, suốt ngày em tôi dùng máy bàn để nhắn tin xem kết quả thi ĐH (vì đó là điện thoại không dây), có ngày nhắn đến hơn 10 tin mà mỗi tin 3.000 VNĐ và 5.000 VNĐ. Hai tháng tôi về nghỉ sinh, mỗi tháng điện thoại hết 200.000 VNĐ. Tôi khóc nhiều rồi cũng đến lúc nguôi đi.
Khi con tôi được 6 tháng, cũng là lúc tin chẳng lành đến với tôi. Chồng tôi bị bệnh, phải nằm điều trị, nghỉ việc mất 2 tháng. Thương chồng, thương số phận mình, tôi báo tin về cho bố mẹ chồng biết. Bố tôi không một lời mảy may bảo đón con trai về nhà điều trị. Chồng tôi nghỉ việc, không một đồng lương. Tôi phải vay tiền ông bà ngoại để sinh hoạt, và nhờ vả mãi ông bà nội mới vay cho 3 triệu đồng.
Nhưng buồn một nỗi là ông bà không gọi điện thoại lên để động viên con trai chữa bệnh. Tôi đã dẹp hết lòng tự ái cá nhân, gọi điện cho ông bà và khóc muốn ông bà thỉnh thoảng gọi điện động viên chồng tôi trị bệnh. Thế nhưng trong một năm chồng tôi chữa bệnh, mẹ chồng chỉ gọi duy nhất một lần.
Lúc đó con tôi còn đang bú mẹ. Đã có lúc tôi định gửi cháu về cho ông bà ngoại chăm sóc, nhưng không được. Tôi không thể dứt cháu ra, không thể để cháu không được bú mẹ. Cũng may tôi gửi được bác hàng xóm, bác trông con giúp tôi từ lúc cháu được 3 tháng. Vì chồng nghỉ việc nên tôi vừa đi học vừa đi làm.
Và số phận đã mỉm cười với tôi. Tôi đi làm, nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ, những lời động viên của bạn bè. Tôi ổn định được cuộc sống hơn. Đến giờ con tôi đã đi nhà trẻ, cháu ngoan và thông minh. Cả năm mẹ chồng tôi gọi điện lên cho vợ chồng tôi được vài lần. Lúc nào bà cũng bảo là nhớ cháu, nhưng bà đâu có hỏi thăm trong khi ông bà ngoại suốt ngày gọi điện thoại cho cháu để được nghe giọng nói của cháu, nghe cháu hát.
Nếu nói là điện thoại của bà ngoại thì con gái tôi nói chuyện với bà ngoại 10 phút. Nhưng nếu là của bà nội, cháu chỉ nghe giọng bà nội là gạt điện thoại ra. Và cả năm ông bà cũng không lên thăm cháu, ngoại trừ một lần bố chồng tôi lên được một lần vì có việc.
Tôi luôn có suy nghĩ là nếu ông bà không lên thăm cháu, không gọi điện cho cháu, thì ngược lại cháu cũng không về thăm ông bà (bố mẹ chồng tôi mới ngoài 50 tuổi). Và lại sắp đến Tết rồi. Chồng tôi nói là cả nhà về ông bà ngoại ăn Tết. Nhưng tôi có nên làm điều đó không? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và chưa thể quyết định xem mình nên làm gì. Xin quý độc giả hãy cho tôi một lời khuyên.
Cảm ơn sự lắng nghe của quý độc giả.
Lan
Ý kiến gửi về Tamsu@VnExpress.net (Gõ có dấu, gửi file kèm).