Theo quy định, giá viện phí mới sẽ chỉ được áp dụng sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có quyết định cuối cùng về mức thu phí sẽ được áp dụng tại các bệnh viện trực thuộc quyền quản lý. Giá được quy định trong Thông tư được coi là mức giá tối đa, căn cứ vào đó các tỉnh sẽ phê duyệt mức giá sao cho phù hợp với địa bàn của mình.
"Các đơn vị trực thuộc Bộ phải trình mức thu lên Bộ, các bệnh viện khác phải trình Sở Y tế, Sở Y tế trình HĐND, nơi nào làm nhanh sẽ thực hiện nhanh tùy theo phê duyệt các cấp có thẩm quyền", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Trong tháng 4 tới, nhiều bệnh viện sẽ vẫn áp dụng khung giá cũ. Ảnh: N.P. |
Theo Bộ trưởng thì có thể đến tháng 5 thậm chí tháng 7 một số địa phương mới áp dụng khung giá mới.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Thức, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Sớm nhất thì cũng phải từ tháng 6 trở đi, các bệnh viện của Hà Nội mới áp dụng mức giá viện phí mới. Nguyên nhân vì còn phải đợi Sở Y tế trình UBND thành phố khung giá viện phí này và đợi UBND thành phố phê duyệt. Khâu thủ tục này chắc chắn chưa thể hoàn tất trước 6 tháng đầu năm nay".
Tương tự, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực phố Nối (tỉnh Hưng Yên) cho rằng, vào thời điểm 15/4 tới khả năng các bệnh viện trên địa bàn vẫn sẽ áp dụng giá viện phí cũ và vừa làm vừa chờ đợi khung giá viện phí mới được UBND tỉnh thông qua. Ngay với các bệnh viện tuyến Trung ương, hiện cũng chưa có tín hiệu gì cho thấy Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá viện phí cụ thể để các bệnh viện áp dụng ngay.
Đợt này sẽ điều chỉnh giá của 477 dịch vụ kỹ thuật y tế, chiếm khoảng 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp. Trong đó, mức tăng trung bình từ 2 đến 4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn 6 lần).
Có một thực tế nhiều người vẫn băn khoăn là khi khung giá mới được áp dụng thì ngoài việc đồng chi trả bảo hiểm, họ có còn phải nộp theo một số khoản tiền mà theo bệnh viện giải thích là do bảo hiểm y tế không chi trả hay không?
Đó có thể là tiền vật tư, thuốc trong phẫu thuật thủ thuật, chênh lệch giá xét nghiệm, cận lâm sàng... Các khoản này lớn hơn rất nhiều so với khoản 20% cùng chi trả, đặc biệt ở các tuyến trung ương.
Về vấn đề này, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây cũng là câu hỏi ngành y tế muốn tìm cách giải quyết từng bước.
"Khi đã đồng chi trả 20%, nhưng người bệnh phải nộp thêm một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là bảo hiểm y tế không chi trả thì về nguyên tắc, làm như vậy không đúng quy định. Nhưng về thực tiễn, bệnh viện cũng phải làm như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân", Bộ trưởng Tiến nói.
Cụ thể, mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm thì không thể đủ. Thời gian qua, có lúc giá vật liệu, dụng cụ thay đổi, có những phần là phải trả thêm so với mức quy định của bảo hiểm y tế bởi mức chi trả của bảo hiểm quá thấp. Như phần đồng chi trả, nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có xảy ra trường hợp phải trả thêm một khoản hơn mức 20%.
"Nếu viện phí tăng lên như mức hiện nay, chúng tôi nghĩ là, về nguyên tắc gần như không phải đóng nữa. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt như có những thủ thuật trên cơ địa người đó phải dùng bởi nếu dùng thuốc trên danh mục quy định sẵn thì không phù hợp với bệnh nhân như bệnh dễ chảy máu, tan huyết…", Bộ trưởng Y tế thừa nhận.
Phương Trang