Trao đổi với VnExpress.net sáng 12/12, bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết đã tạm đình chỉ, không cho bác sĩ Trần Văn Nguyên (Trưởng khoa ngoại tiết niệu) tham gia phẫu thuật để làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc cắt cả hai quả thận của chị Hứa Cẩm Tú (37 tuổi) ở thị trấn Thới Lai, Cần Thơ.
Theo bác sĩ Võ, ông Nguyên không thuộc biên chế của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vì bác sĩ này là giảng viên kiêm Trưởng Trung tâm Công nghệ thông tin của Đại học Y dược Cần Thơ.
Sáng ngày 12/12, lãnh đạo UBND thị trấn Thới Lai (Thới Lai, Cần Thơ) đã đến bệnh viện động viên, gửi chi phí hỗ trợ cho chị Hứa Cẩm Tú để chia sẻ khó khăn với gia đình này. Ảnh: Thiên Phước. |
Trước khi tham gia ca mổ cho chị Tú vào ngày 6/12, bác sĩ Nguyên đang thực hiện chuyến thực tế tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để làm công tác chuyên môn, hướng dẫn sinh viên ngành y nên được bệnh viện giao nhiệm vụ Trưởng khoa ngoại tiết niệu. Khi tiếp nhận bệnh nhân sạn thận trái, ứ nước độ 3, khoa ngoại tiết niệu đã tư vấn với gia đình chị Tú là nên mổ nội soi. Tuy nhiên, trong quá trình mổ do ông Nguyên làm trưởng ca, các bác sĩ thấy máu ra nhiều nên chuyển mổ hở.
Quá trình can thiệp ngoại khoa tiếp tục phát hiện chị Tú bị thận móng ngựa với hai quả thận dính nhau. Đây là dị dạng hệ tiết niệu rất hiếm gặp, dễ gặp biến chứng khi phẫu thuật bởi có nhiều mạch máu chằng chịt. Vì vậy, khi thấy các vết cắt khó cầm máu, các bác sĩ đã chọn phương án cắt luôn thận phải, vì "bất khả kháng".
Chồng chị Tú là anh Nguyễn Thiện Trí cho biết gia đình rất khó khăn, nghề chính của vợ chồng anh là đan chậu kiểng nên thu nhập bấp bênh. Vợ anh bị mất hai quả thận phải chạy thận nhân tạo xem như mất khả năng lao động, anh phải túc trực bên vợ chăm sóc cho nên 3 đứa con trai đang đi học phổ thông phải tự chăm sóc nhau trong điều kiện rất khó khăn về kinh tế.
Sau khi chạy thận lần hai, sáng 12/12 mặt chị Tú đã hết sưng phù, ăn uống tương đối tốt nên có thể cuối tuần này sẽ xuất viện. Theo kế hoạch của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, chị Tú sẽ được điều trị theo một trong hai hướng là chạy thận định kỳ hoặc thẩm phân phúc mạc. Nếu chọn phương án thứ hai, chị Tú sẽ được lọc máu bằng một lớp màng trong khoang bụng rồi dẫn lưu nước và chất thải ra ngoài qua ống thông.
Theo các bác sĩ, lớp màng trong khoang bụng đóng vai trò màng lọc tự nhiên nên rất an toàn, chi phí thấp hơn phẩm phân máu bằng máy và tiện lợi hơn là bệnh nhân không phải nằm viện thường xuyên. Nếu có điều kiện, chị Tú cũng có thể ghép thận để trở lại cuộc sống bình thường.
Trao đổi về "tai nạn" của ca phẫu thuật, người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết đang tiến hành họp hội đồng khoa học chuyên môn theo đúng quy trình để có kết luận chính xác. Theo bác sĩ Võ, dự kiến cuối tuần thông tin chính thức sẽ được chuyển đến báo chí.
Thiên Phước