Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học, Giảng viên Trường đại học Y dược TP HCM cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp mà không tìm thấy nguyên nhân.
"Chỉ khoảng 5-10% bệnh nhân tìm được nguyên nhân, nhóm này gọi là tăng huyết áp thứ phát. Số còn lại không rõ nguyên nhân, gọi là tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn", tiến sĩ Nam cho biết.
Đo huyết áp là biện pháp cơ bản để nhận biết dấu hiệu tăng huyết áp. Ảnh: Thiên Chương |
Theo bác sĩ Nam, các nguyên nhân thường gặp của tăng huyết áp thứ phát là do suy thận mạn tính, hẹp động mạch thận, cường aldosteron nguyên phát, u tủy thượng thận và do uống thuốc ngừa thai.
Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp trong giai đoạn đầu không có biểu hiện gì. Người bệnh chỉ phát hiện mình bị tăng huyết áp khi tình cờ đo huyết áp hoặc khám sức khỏe định kỳ. Do đó đa số bệnh nhân biết mình bị bệnh khi đã có biến chứng trên các cơ quan của cơ thể.
Nghi ngờ tăng huyết áp, người bệnh có thể đo huyết áp tại nhà với hai tư thế nằm hoặc ngồi. Nếu đo ở tư thế ngồi phải dựa lưng vào tường hoặc ghế, tay được đo phải để ngang tim.
Người bệnh có thể dùng huyết áp kế thủy ngân hoặc huyết áp kế điện tử tự động. Cần lưu ý: Không uống cà phê, hút thuốc lá, không dùng các thuốc ảnh hưởng đến huyết áp (như thuốc chống sung huyết mũi) trước khi đo huyết áp.
Phân loại |
Huyết áp tâm thu (mmHg) |
Huyết áp tâm thương (mmHg) |
Bình thường |
<120 |
<800 |
Tiền tăng huyết áp |
120-139 |
80-90 |
Tăng huyết áp giai đoạn 1 |
140-159 |
90-99 |
Tăng huyết áp giai đoạn 2 |
≥ 160 |
≥ 100 |
Tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng trên các cơ quan như: tim, não, mắt, động mạch ngoại biên.
Biến chứng tức thời: Có thể nguy hiểm đến tính mạng, gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, bóc tách động mạch chủ, phù phổi cấp, suy thận cấp.
Biến chứng lâu dài: Xảy ra nếu bệnh nhân sau một thời gian dài tăng huyết áp mà không được chẩn đoán và điều trị đúng. Biến chứng gồm: Rối loạn tiền đình, bệnh lý mắt, tim to, suy tim, đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, suy thận mạn, đau cách hồi.
Theo bác sĩ Nam, nếu bị tăng huyết áp, người bệnh cần đi khám để được tư vấn. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ làm các xét nghiệm cần thiết giúp tìm nguyên nhân và biến chứng, từ đó có cách thức điều trị phù hợp.
"Nếu tăng huyết áp có nguyên nhân thì chỉ cần điều trị loại bỏ nguyên nhân sẽ hết bệnh. Tăng huyết áp vô căn thì phải điều trị lâu dài, đưa huyết áp về mức bình thường nhằm giảm thiểu các biến chứng", bác sĩ Nam nói.
Có 2 cách điều trị chính. Một là thay đổi lối sống bằng ngưng thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể dục, hạn chế ăn mặn, giảm rượu bia, bổ sung Kali, Magie, Canxi, trong chế độ ăn, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Hai là điều trị bằng thuốc. Cách điều trị này sử dụng khi việc thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát huyết áp; khi tăng huyết áp đã có biến chứng lên các cơ quan và khi huyết áp quá cao (≥180/110 mmHg).
"Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp. Dễ dàng phát hiện tăng huyết áp nhưng lại thường bị bỏ sót, gây hậu quả nặng nề cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc điều trị thường kéo dài, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh nhân và thầy thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất", bác sĩ Nam khuyên.
Thiên Chương