Đến nay, có 42 địa phương đã được HĐND tỉnh phê duyệt mức giá dịch vụ y tế mới. Trong đó, 34 địa phương phê duyệt mức giá thấp hơn 80% khung giá tối đa, 4 nơi cao hơn 90%.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm y tế, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nhìn chung mức giá dịch vụ y tế của đa số các địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều bất cập trong xây dựng giá dịch vụ y tế.
Cụ thể, tình trạng kê quá nhiều các loại vật tư y tế như găng tay, khẩu trang, tính quá mức chi phí điện nước là tương đối phổ biến. Ví dụ, một lần siêu âm đen trắng trung bình dùng một đôi găng tay, xét nghiệm một chỉ số hóa sinh máu cũng hơn một đôi găng tay và 1,45 kWh điện. Nhưng thực tế có khi làm việc cả buổi sáng, bác sĩ vẫn dùng một đôi găng tay đó.
Có nơi mổ viêm ruột thừa nội soi kê khai tới 12 cuộn chỉ, trong khi thực tế thường chỉ dùng 3-4 cuộn. Tính ra, riêng tiền chỉ đã hết 1,2 đến 1,5 triệu đồng, trong khi chi phí cả ca mổ chỉ hết hơn 3-4 triệu.
Các bệnh viện phải công khai giá dịch vụ mới và tuyên truyền, giải thích cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: N.P. |
Các dịch vụ về y học cổ truyền cũng được nhiều bệnh viện, địa phương xây dựng không sát với thực tế, ông Phúc cho biết.
Chẳng hạn, có nơi kê khai sử dụng trung bình 20 kim cho một lần châm cứu (15 kim ngắn và 5 kim dài), đồng thời các kim này chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ. Trong khi thực tế, số lượng dùng chỉ là từ 12 đến 13 kim ngắn còn kim dài sử dụng rất hạn chế và kim được hấp để sử dụng nhiều lần cho bệnh nhân đó.
Có dịch vụ như laser châm (không dùng đến kim châm mà sử dụng tia laser) nhưng trong cơ cấu giá vẫn có tới 15 chiếc kim châm, tiền bông tới 2.100 đồng một lần châm...
Không ít địa phương xây dựng cơ cấu giá viện phí cho cả những dịch vụ y tế chưa triển khai. Như tỉnh Quảng Trị xây dựng giá cho cả những dịch vụ, thủ thuật trong lĩnh vực can thiệp tim mạch (đặt stent), mổ thay van tim…, là những dịch vụ chỉ có một số bệnh viện lớn như Bạch Mai mới thực hiện.
Tương tự, nhiều bệnh viện tuyến trung ương cũng xây dựng định mức không căn cứ thực tế thực hiện tại bệnh viện (đặc biệt là vật tư tiêu hao và thuốc), khiến giá dịch vụ tăng cao.
Cùng một loại dịch vụ siêu âm màu 3D, tại Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế phê duyệt là 360.000 đồng trong khi Việt Đức 245.000 đồng.
"Qua tìm hiểu cơ cấu chi phí, chúng tôi được biết sự khác biệt về giá siêu âm nêu trên phụ thuộc rất nhiều vào cách tính chi phí đầu dò siêu âm. Cụ thể, giá đầu dò được Bệnh viện Việt Đức tính là 240 triệu đồng (khấu hao một lần 160.000 đồng) trong khi tại Bệnh viện Bạch Mai được tính đến 500 triệu đồng (khấu hao 250.000 đồng một lần)", ông Phúc lý giải.
Theo quy định, giá dịch vụ y tế hiện tại chỉ được tính trên 3 yếu tố gồm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh. "Vấn đề không phải giá cao hay thấp mà quan trọng là phải xây dựng đúng, đủ đảm bảo thực hiện dịch vụ theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuyệt đối không lãng phí vì nước ta còn nghèo, người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Cái gì tiết kiệm được thì nên tiết kiệm, ví dụ như chi phí cho 20 chiếc kim châm cứu với giá 26.000 đồng mà chỉ dùng một lần thì quá lãng phí", ông Phúc nói.
Bệnh nhân xếp hàng nộp tiền theo giá viện phí mới tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: N.P. |
Cũng theo ông Lê Văn Phúc, việc giám sát chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế có tương đương như giá viện phí mới hay không là công việc rất phức tạp.
Chẳng hạn, khi áp dụng giá viện phí mới cho một ngày nằm viện thì cũng phải đảm bảo về số lượng bệnh nhân tối đa trong một phòng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chuẩn một buồng bệnh là bao nhiêu mét vuông hoặc chỉ nên có bao nhiêu bệnh nhân trong một phòng. Trong khi đó, tỷ lệ kê thêm giường bệnh thực tế ở nhiều bệnh viện rất cao, nhất là tại tuyến trung ương.
“Chúng tôi muốn rằng tới đây bệnh nhân không phải nằm chen chúc ngay cả trong một buồng bệnh. Chưa kể việc theo dõi thực tế bệnh nhân có phải nằm ghép hay không cũng rất phức tạp. Có thể buổi trưa, bệnh nhân chỉ nằm một người mỗi giường để chờ phẫu thuật, nhưng tới 14h phải nằm ghép hai và rất có thể tới 18h thì đã lại nằm ghép 3-4…”, ông Phúc dẫn chứng.
Hay như với mức giá 20.000 đồng một lần khám, bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt phải đảm bảo định mức là chỉ khám 35 bệnh nhân mỗi bàn một ngày… Nhưng với số lượng lớn, khoảng 2.500 bệnh nhân mỗi ngày như tại các bệnh viện tuyến trung ương thì dù bệnh viện có tăng lên 50-60 bàn khám thì cũng không thể hạ số lượng bệnh nhân ở mỗi bàn khám xuống đúng như định mức Bộ Y tế đề ra.
“Trong một thời gian ngắn thì không thể nâng số lượng bàn khám bệnh lên ngay được. Bởi vậy, nhiều địa phương cần xây dựng lộ trình để tiến dần tới việc áp dụng mức giá tối đa. Lấy Hà Nội đã xây dựng lộ trình cho các bệnh viện hạng 1 (Xanh Pôn, Thanh Nhàn…) là 77% khung từ nay đến 2014 và sau đó sẽ nâng dần tới mức giá tối đa”, ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Phúc, lần điều chỉnh viện phí này mới tính 3/7 cơ cấu hình thành giá viện phí nhưng phần lớn số 4 phần còn lại đều được ngân sách nhà nước đảm bảo. Vì vậy, việc tăng giá viện phí lần này có thể nói là một cuộc cách mạng lớn, giúp các bệnh viện có đủ kinh phí để tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, nhưng quan trọng hơn là giúp người bệnh bớt đi những khoản chi từ tiền túi như trước kia.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì với những tỉnh mà HĐND đã phê duyệt khung giá viện phí cao, chưa hợp lý thì việc điều chỉnh giảm mức giá đã phê duyệt xuống ngay là vấn đề rất khó khăn. Do đó, giải pháp trước mắt là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu những địa phương này xây dựng một lộ trình để tiến dần tới mức giá viện phí tối đa đã phê duyệt. Trường hợp địa phương đó kiên quyết cho áp dụng giá viện phí mới thì Bảo hiểm xã hội sẽ không cấp kinh phí bổ sung từ Quỹ Dự phòng trung ương (quỹ chỉ thanh toán cho những bội chi hợp lý).
"Nếu phát hiện cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ hoặc thu thêm của bệnh nhân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ không thanh toán cho những chi phí bất hợp lý, thậm chí sẽ đề nghị thu hồi chi phí không đúng để trả lại cho bệnh nhân", ông Sơn nói.
Trước ý kiến cho rằng việc tăng viện phí lần này tác động lớn đến người bệnh, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong tổng viện phí mà người bệnh phải trả thì 66-67% là thuốc, dịch truyền. Những khoản này không bị ảnh hưởng bởi thông tư điều chỉnh viện phí vì thanh toán theo thực tế và giá mua đấu thầu của bệnh viện. Còn lại khoảng 33% là số thu của khoảng trên 3.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, nhưng đợt này chỉ điều chỉnh giá của 447 dịch vụ. Vì thế, sự điều chỉnh viện phí lần này chắc chắn có ảnh hưởng và tác động đến người bệnh, nhưng mức độ khác nhau. Cụ thể, những người có công với cách mạng, trẻ dưới 6 tuổi được bảo hiểm thanh toán 100% chi phí nên phần tăng thêm cũng do phía bảo hiểm chi trả. Tương tự, với nhóm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cũng chỉ phải trả 5% của số tăng thêm. Với những nhóm khác đồng chi trả 20% chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm. Đối với 36% dân số chưa có thẻ thì chủ yếu là nhóm có mức thu nhập từ trung bình trở lên, có bị ảnh hưởng nhưng do chỉ điều chỉnh giá của 447 trong số 3.000 dịch vụ, nên họ vẫn có khả năng chi trả. |
Nam Phương - Phan Dương