Bày bán trên vỉa hè bụi bặm là một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn bị nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa: Hà Đan |
Cơ quan chức năng vừa phát hiện việc lạm dụng các hoóc môn kích thích tăng trưởng như Sallbutamol, Clenbuterol... trộn vào trong thức ăn chăn nuôi. Đây đều là những chất bị cấm sử dụng vì nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ thực phẩm đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, chất Clenbuterol bị cấm sử dụng vì tính nguy hại của nó. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, loại chất này dễ mua, giá rẻ nên người chăn nuôi đã trộn vào thức ăn cho lợn. Hóa chất này thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng, vì thế lợn rất nạc, màu sắc thịt tươi ngon.
Nếu ăn phải thịt lợn chứa chất kích thích tăng trọng, về lâu dài cơ thể sẽ bị tích tụ chất tăng trọng, dễ dẫn gây rối loạn chuyển hóa: tăng cân, béo phì, mất sức đề kháng, xương bị xốp rất nguy hiểm. Chất Clenbuterol thường tập trung nhiều ở các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận, phổi ...
Phó giáo sư Thịnh phân tích, hiện nay hầu hết thịt lợn bán ngoài thị trường đều rất nạc và người dân không thể biết thịt nào là an toàn. Thực tế, có giống lợn siêu nạc, khác với lợn thông thường được cho ăn “bột siêu nạc”.
Bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt được hai loại thịt lợn này. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ có thể thấy loại thịt lợn “bẩn” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, trơn láng, độ săn chắc kém, ít mỡ, nạc sát da. Tại bắp vai, đùi cho thấy lượng thịt phát triển bất thường, thịt u lên, màu đỏ au giống màu đỏ của thịt bò.
Tốt nhất các bà nội trợ chỉ nên mua loại thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua nên chọn miếng thịt tươi ngon, màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra, các thớ đều.
Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp) còn phát hiện việc lạm dụng chất Ethephon hay còn gọi "thúc chín tố" để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số tỉnh thành khác. Các thương lái sử dụng hóa chất này để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi . Trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật, chất này hoàn toàn cấm sử dụng.
Tiến sĩ Phan Thanh Tâm, bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện công nghệ sinh học- công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết hóa chất Ethephon thúc đẩy quá trình tươi hóa, làm màu đỏ hồng (màu vô cơ) tươi lên.
Bình thường nếu thịt lợn để ngoài môi trường 2-3 tiếng, không sử dụng hóa chất bảo quản gì thì màu đỏ hồng sẽ chuyển sang sậm hơn, như màu đỏ nâu nhạt.
"Vì thế chị em khi đi chợ nên tránh chọn thịt có màu quá đỏ tươi", tiến sĩ Tâm nhấn mạnh.
Trong hội thảo Môi trường xanh- An toàn thực phẩm với sức khỏe tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra một kết quả khảo sát đáng "giật mình", theo đó, năm 2010, trong 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm lấy tại các chợ trên toàn quốc thì có hơn 450 mẫu không đạt tiêu chuẩn (chiếm 61%). Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm Coliforms, Ecoli, Salmonella... gây bệnh đường ruột như tiêu chảy, lỵ.
Kết quả giám sát vệ sinh thú y năm 2009 cũng cho thấy thực trạng tương tự. Trong số 832 mẫu thịt trâu, bò, lợn, gia cầm thì có đến 475 mẫu không đạt.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là thịt được vận chuyển bằng xe máy, giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh, bày bán ở vỉa hè nên bị ô nhiễm chéo vi khuẩn từ môi trường, nguồn nước không sạch, các phương tiện, thiết bị trong quá trình giết mổ, vận chuyển, buôn bán.
Theo báo cáo của giáo sư Đậu Ngọc Hào, Giám đốc Trung tâm Thú y cộng đồng, cả nước hiện có 29.000 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó miền Bắc chiếm hơn 82%. Thế nhưng tại miền Nam, số lượng cơ sở được kiểm soát lên đến gần 68%, trong khi đó ở miền Bắc con số này chỉ là gần 18%.
Phương Trang