BV Việt Đức luôn quá tải về số người chờ mổ. |
Theo dự kiến, các bệnh viện được chọn để lập trung tâm vệ tinh là Đa khoa Bắc Ninh, Việt Tiệp Hải Phòng và Đa khoa Thanh Hoá. Ba bệnh viện này được lựa chọn do đáp ứng các điều kiện: bao quát được số lượng lớn bệnh nhân, nằm gần đường giao thông và không quá xa so với Bệnh viện Việt Đức, có cơ sở ban đầu về ngoại khoa để phát triển thành trung tâm kỹ thuật cao. Trong 3 cơ sở trên, chỉ có Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh chưa thực hiện phẫu thuật sọ não.
Dự án sẽ được tiến hành trong 3 năm (2005-2007) với tổng kinh phí 35 tỷ đồng (33 tỷ dành mua sắm trang thiết bị). Trong thời gian đó, Bệnh viện Việt Đức sẽ đào tạo để tăng cường năng lực ngoại khoa cho bác sĩ của trung tâm vệ tinh, giúp họ mổ được những ca khó nhất. Trước mắt, việc đào tạo sẽ tập trung vào các ca phẫu thuật sọ não, cột sống, sau này sẽ phát triển thêm những kỹ thuật khác.
Sau khi thành lập, các đơn vị vệ tinh sẽ có trình độ và trang thiết bị tương đương Bệnh viện Việt Đức, đóng vai trò một trung tâm ngoại khoa của khu vực. Nhân dân ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá và vùng lân cận khi bị chấn thương sọ não, cột sống hoặc gãy xương sẽ không phải đến tận Hà Nội, vừa tốn kém vừa gây quá tải. Các đơn vị vệ tinh lại được nối mạng với Việt Đức nên sẽ nhận được sự hỗ trợ, phối hợp khi cần.
Một thành viên của dự án cho biết, lập trung tâm vệ tinh là một cách giảm tải bền vững và hiệu quả. Sau khi áp dụng thành công ở Việt Đức, mô hình này sẽ được thực hiện ở nhiều bệnh viện khác. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là biến các bệnh viện địa phương thành những trung tâm ngoại khoa có năng lực cao thực sự, mà còn phải làm cho người dân tin vào điều đó. Có như vậy, các trung tâm này mới thu hút được bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện "mẹ".
Đồng tình với nhận xét trên về vai trò đơn vị vệ tinh, ông Lưu Hoài Chuẩn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế, nói: "Không thể giảm tải các bệnh viện tuyến trên bằng cách tăng số giường, vì dù tăng bao nhiêu cũng không đủ. Hơn nữa, việc tăng giường bệnh sẽ kéo theo vô số nhu cầu khác như tăng nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng... Vì vậy, cách tốt nhất là nâng cấp các bệnh viện địa phương để có trình độ ngang với tuyến trung ương".
Theo ông Chuẩn, chính sự phân biệt tuyến dưới tuyến trên là thủ phạm gây quá tải ở một số bệnh viện, vì người dân bao giờ cũng muốn được điều trị ở nơi tốt nhất. Ở nhiều nước phát triển, hệ thống y tế không chia đẳng cấp như vậy nên bệnh nhân chỉ cần đến cơ sở gần nhất để chăm sóc sức khoẻ. Việt Nam cũng nên áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, không nhất thiết địa phương nào cũng phải có bệnh viện vì sự phân tán về kinh phí sẽ làm giảm hiệu quả. Tốt nhất là xây dựng các bệnh viện khu vực, phục vụ cho mấy tỉnh nằm kề nhau. Việc xây dựng các trung tâm vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức là sự cụ thể hoá đầu tiên của mô hình nói trên.
Thanh Nhàn